Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam để xảy ra nhiều vi phạm liên quan đất đai

Kết luận thanh tra nêu rõ, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai, nhiều diện tích đất bị lấn chiếm, chồng lấn...

Ảnh minh họa

Bài liên quan

Thanh tra Chính phủ cần phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội XIII của Đảng

Thanh tra Chính phủ đề nghị bảo vệ người tố cáo sai phạm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lí hàng chục tỷ đồng sai phạm tại Bắc Giang

Mới đây Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về việc kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Cụ thể, tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam để xảy ra nhiều tồn tại vi phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn quản lý và sử dụng với diện tích đất là 371.348 ha, tính đến 31/12/2017, phần lớn diện tích đất đã được cấp Giấy CNQSD đất (khoảng 92%), phần còn lại 29.708 ha chưa được cấp Giấy CNQSD đất (khoảng 8%) với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có diện tích đất dự kiến bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nên không lập hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất và đất đang có tranh chấp chưa thực hiện được việc cấp Giấy CNQSD đất.

Công tác xác định ranh giới, cấm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính của Tập đoàn mới thực hiện được 313.554 ha (khoảng 84,4%), diện tích chưa thực hiện là 57.794 ha (khoảng 15,6%), dẫn đến số liệu về diện tích đất còn chưa chính xác.

Công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của Tập đoàn được lập còn sơ sài, không đầy đủ, chủ yếu là sử dụng hồ sơ dạng giấy, bản đồ địa hình, tài liệu đo đạc lạc hậu, công cụ để quản lý thô sơ, nguồn lực mỏng, diện tích được giao lại quá lớn dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp, lấn. chiếm đất đai.

Tính đến 31/12/2017, các đơn vị thuộc Tập đoàn còn để 10.710,36 ha đất bị lấn, chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích dất chồng lấn giữa các Công ty thuộc Tập đoàn với những đối tượng khác lên tới 1.737,44 ha; tổng diện tích đất bị lấn chiếm, chồng lấn, đến thời điểm thanh tra đã giải quyết dứt điểm được 476,2 ha, chưa được giải quyết dứt điểm là 11.971.6 ha, vi phạm qui định của pháp luật đất đai.

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Tập đoàn quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp tuy nhiên đến 31/12/2017, Tập đoàn đã trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 43 cơ sở, chiếm 5,7%; số cơ sở nhà đất còn lại chưa được phê duyệt xử lý, sắp xếp theo quy định là 716 cơ sở, chiếm 94.3%, hiện mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.

Việc Tập đoàn cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được.

Công ty Tài chính Cao su ký hợp đồng mua tài sản là quyền sử dụng đất năm 2004, 2005 để làm Trụ sở văn phòng Công ty nhưng không lập Báo cáo nghiên cứu, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt...

Việc Tập đoàn cho phép Công ty Cao su Phú Riềng chuyển giao 96,18 ha dất cao su, sau do UBND tỉnh Bình Phước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su là chưa thực hiện đúng quy định.

Việc Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú cho cán bộ, công nhân viên mượn đất làm nhà ở với tổng diện tích 0,81 ha tại Trụ sơ Nông trường Tân Thành, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tình Bình Phước, đến nay có 33 cán bộ, công nhân viên đang sử dụng diện tích đất này làm nhà ở là vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2003.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho 44 công nhân mượn 2.575.75 m2 nhà để ở trên diện tích 3.2 ha đất là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Khoan 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013...

Từ những nội dung nêu trên, TTCP kiến nghị Tập đoàn công nghiệp Cao-su Việt Nam phải kiểm tra, rà soát đối với việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo với các địa phương để sớm bố trí kịp thời ngân sách thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất.

Xử lý các vi phạm trong việc cho thuê văn phòng làm việc, cho thuê, mượn nhà, đất không đúng quy định để xảy ra tình trạng lấn chiếm nhà đất, để nhà trống không sử dụng, gây lãng phí. Rà soát, xử lý và chịu trách nhiệm đối với một số đơn vị thuộc tập đoàn mua một số cơ sở nhà, đất với giá cao chưa đúng quy định…

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-de-xay-ra-nhieu-vi-pham-lien-quan-dat-dai-post119853.html