Tập đoàn Dầu khí BP và án phạt 20 tỷ USD từ sự cố tràn dầu
Tháng 4/2016, ông Carl Barbier - Thẩm phán liên bang thành phố New Orleans - Mỹ, đã thông qua mức phạt lên đến 20 tỷ USD đối với Tập đoàn Dầu khí BP của Anh để giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico năm 2010.
“Nhuộm đen đại dương”
Sự cố tràn dầu của hãng dầu khí BP đã trở thành sự cố tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi giàn khoan Deepwater Horizon ở vịnh Mexico, khoảng 50 dặm ngoài khơi bờ biển Louisiana, phát nổ vào ngày 20/4/2010, làm hàng triệu gallon dầu đổ vào vịnh Mexico trong suốt 87 ngày.
Thảm họa bắt đầu khi một luồng khí tự nhiên từ giếng bất ngờ trào lên khỏi một đường ống dẫn khí tới bệ giàn khoan, gây ra một loạt vụ nổ và một đám cháy lớn. Trong số 126 người đang có mặt trên Deepwater Horizon dài gần 400m, 11 công nhân đã thiệt mạng và 17 người khác bị thương nặng. Ngọn lửa cháy suốt hơn một ngày trước khi giàn khoan, được xây dựng với giá 350 triệu USD vào năm 2001, chìm sâu 1.524m dưới mặt nước vào ngày 22/4/2024.
Vụ nổ khiến toàn bộ giàn khoan Deepwater Horizon bốc cháy thành quả cầu lửa khổng lồ, có thể nhìn thấy từ 64 km Sự cố này khiến cho giàn khoan Deepwater Horizon bị bốc cháy và chìm xuống biển, gây ra tràn dầu ở một khu vực rộng lớn trong vịnh Mexico gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống hoang dã trong khu vực, đến ngành ngư nghiệp và du lịch các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng. Vào thời điểm giếng dầu được đóng lại ba tháng sau đó, ước tính có khoảng 4,9 triệu thùng (tương đương khoảng 206 triệu gallon) dầu thô đã tràn ra vịnh Mexico.
Theo các tài liệu, trước khi sơ tán khởi giàn khoan Deepwater Horizon, các công nhân đã cố gắng kích hoạt thiết bị chống phun dầu (BOP) nhằm ngăn chặn dầu chảy ra khỏi giếng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng không thành công. Trong ba tháng tiếp theo, nhiều kỹ thuật khác nhau đã được thử nghiệm nhằm bịt miệng giếng, nơi đang phun hàng nghìn thùng dầu ra Vịnh Mexico mỗi ngày. Cuối cùng, vào ngày 15/7/2010, BP thông báo giếng đã được đóng nắp tạm thời; và vào ngày 19/9/2010, sau khi xi măng được bơm vào giếng để vĩnh viễn chặn đứng dòng chảy, chính phủ liên bang tuyên bố giếng dầu đã bị đóng.
Án phạt nặng từ thảm hỏa tràn dầu thảm khốc
Được đánh giá là sự cố tràn dầu lớn nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử Mỹ, vụ tràn dầu Deepwater Horizon ngày 20/4/2010 đã gây nên những hậu quả môi trường nặng nề hơn bao giờ hết cho hệ sinh thái biển Mỹ.
Ba tháng sau sự cố, giếng dầu đã khai thác rò rỉ hơn 300 bể dầu có kích cỡ Olympic vào vùng biển của vịnh Mexico. Thảm họa Deepwater Horizon đã bơm ra lượng dầu nhiều hơn gấp 12 lần so với vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989. Tính đến năm 2015, hơn 1.100 con cá heo và cá voi mắc cạn được cho là hậu quả từ vụ tràn dầu, trong khi hàng trăm ngàn con rùa biển cũng phải vật lộn với bi kịch. Trong khi đó, tại bang Louisiana năm 2014, số lượng cá heo mũi chai được phát hiện chết cao gấp 4 lần mức kỷ lục trong lịch sử. Hàng chục nghìn con rùa biển nhỏ đã chết sau thảm họa và số lượng tổ rùa trong khu vực tiếp tục giảm mạnh.
Tháng 01/2011, một ủy ban điều tra quốc gia đã công bố một báo cáo kết luận thảm họa Deepwater Horizon là “có thể biết trước và có thể phòng ngừa” và nó là kết quả của “lỗi do con người, sai lầm kỹ thuật và lỗi của quản lý,” cùng với các quy định không hiệu quả của chính phủ. Nhiều sai sót trong an toàn đã góp phần gây ra thảm họa, cụ thể: Khi một kỹ thuật viên trên giàn khoan Deepwater Horizon đóng một giếng dầu thăm dò sâu dưới Vịnh Mexico, một luồng khí bắn lên. Van khẩn cấp được thiết kế để đậy nắp giếng trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhưng do sự cố kỹ thuật, hệ thống van không hoạt động, khiến dầu và khí đốt lan đến giàn khoan gây ra vụ nổ khổng lồ, khiến 11 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương
Tháng 11/2012, Tập đoàn BP đã đồng ý nhận tội đối với 14 cáo buộc hình sự do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra và nộp 4,5 tỷ USD tiền phạt. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã kết tội 02 nhà quản lý của BP, những người đã giám sát việc kiểm tra trên giếng, với tội danh ngộ sát, trong khi một giám đốc điều hành khác của tập đoàn bị kết án vì đưa ra những tuyên bố sai lệch về quy mô của vụ tràn dầu.
Tháng 4/2016, Thẩm phán liên bang thành phố New Orleans, Mỹ, ông Carl Barbier đã thông qua mức án phạt khoảng 20 tỷ USD mà tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh BP phải trả nhằm giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại sau sự cố dầu tràn của hãng. Theo phán quyết của Thẩm phán Barbier, mức tiền phạt được thông báo lần đầu tiên hồi tháng 7/2015 này bao gồm 5,5 tỷ USD cho các án phạt dân sự chiểu theo Đạo luật Vùng biển sạch (Clean Water Act), số còn lại dùng để chi trả cho công tác khôi phục hệ sinh thái và bồi thường thiệt hại kinh tế cho 5 bang vùng vịnh bị ảnh hưởng gồm Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida cùng hàng trăm chính quyền địa phương. Thẩm phán Barbier nêu rõ BP sẽ phải hoàn tất mức án phạt này trong vòng 16 năm.
Theo Thẩm phán Barbier, sự cẩu thả chết người của BP đã gây ra hậu họa khôn lường. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định “quyết định có tính lịch sử này là một phản ứng mạnh và phù hợp đối với thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Trước đó, BP ước tính chi phí xử lý vụ tràn dầu này, bao gồm các hoạt động dọn dẹp ban đầu cùng hàng loạt khoản bồi thường, lên tới khoảng 53 tỷ USD.
Sau khi phán quyết của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra, giáo sư luật David Uhlmann thuộc Đại học Michigan đã nhận định, phán quyết cuối cùng của ông Barbier được coi là điểm dừng cho “một chương dài và buồn về vấn đề môi trường trong lịch sử nước Mỹ”. Tuy nhiên, ông Uhlmann cũng băn khoăn: “Câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu chúng ta đã có đủ bài học từ bi kịch này để ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai?”.
Deepwater Horizon, thuộc sở hữu của nhà thầu khoan Transocean (trụ sở đặt tại Thụy Sĩ), là một giàn khoan siêu sâu do công ty đóng tàu lớn nhất thế giới Hyundai Heavy Industries (Hàn Quốc) xây dựng năm 2001. Transocean cho Công ty Dầu khí BP (trụ sở tại Anh) thuê lại giàn khoan này trong giai đoạn từ 2001-2013. Tháng 9/2009, Deepwater Horizon đã khoan giếng dầu sâu nhất trong lịch sử ở độ sâu thẳng đứng đạt 10.683m. Sau sự cố tràn dầu ngày 20/4/2010, Deepwater Horizon ngừng hoạt động vĩnh viễn.