Tập đoàn FLC làm ăn ra sao trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt
Sau giai đoạn đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận 2015-2019, kết quả kinh doanh của FLC đã giảm liên tục 2 năm gần nhất khi dịch Covid-19 bùng phát.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản du lịch lớn nhất thị trường trong nước, đồng thời là chủ sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, việc dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp vào kết quả kinh doanh trong 2 năm gần nhất của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC).
Cụ thể, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, FLC đang trong giai đoạn tăng trưởng liên tục ở chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu của tập đoàn này đã tăng liên tục từ năm 2009 đến năm 2019 (trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện), từ mức vài chục tỷ đồng/năm trước 2010, lên mức đỉnh 15.780 tỷ đồng vào năm 2019.
Cũng trong giai đoạn 2015-2019, FLC đạt đỉnh về chỉ tiêu lợi nhuận với lần đầu đạt trên nghìn tỷ vào năm 2016. Trong các năm sau đó, với mức doanh thu trên chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận FLC mang về cho các ông chủ của mình đều đạt trên dưới 500 tỷ/năm.
Đà tăng trưởng bị chặn
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, FLC nằm trong nhóm doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp khi cả ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng, dẫn tới kết quả kinh doanh giảm mạnh trong 2 năm gần nhất (2020-2021).
Trong năm 2021 vừa qua, nhà phát triển bất động sản du lịch này chỉ ghi nhận 6.772 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm một nửa so với năm 2020. Trong năm 2020 trước đó, doanh thu hợp nhất của tập đoàn này cùng các công ty con cũng đã giảm 15%.
Nguyên nhân khiến doanh thu FLC sụt giảm đến từ tất cả mảng kinh doanh, từ bất động sản; kinh doanh hàng hóa, thiết bị, vật liệu xây dựng; cho tới các mảng dịch vụ như nghỉ dưỡng, du lịch, golf, hàng không…
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến doanh thu năm 2021 của FLC giảm mạnh là do tập đoàn này đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Bamboo Airways xuống dưới 50% từ tháng 2/2021, dẫn tới không còn là công ty mẹ và không được hợp nhất báo cáo tài chính của hãng hàng không này.
Tuy vậy, nhờ không còn hạch toán kết quả kinh doanh của mảng hàng không, biên lãi gộp của FLC trong năm 2021 đã cải thiện đáng kể, giúp doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi gộp 413 tỷ đồng, trong khi năm 2020 công ty lỗ gộp hơn 3.172 tỷ.
Tuy nhiên, trong năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của FLC đã giảm hơn 73%, chỉ mang về 1.463 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này chỉ đạt gần 84 tỷ đồng, giảm tương ứng 73% so với năm 2020.
Theo ban lãnh đạo FLC, phần lớn nguồn thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp đến từ hoạt động cơ cấu lại các khoản đầu tư và chuyển nhượng vốn tại công ty thành viên. Trong năm 2020, hoạt động này đã được công ty sử dụng để bù đắp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là nguồn thu chính giúp FLC bù lỗ từ hoạt động kinh doanh chính và có lãi trong năm 2020.
Dù vẫn ghi nhận lợi nhuận dương, nhưng doanh thu năm 2021 của FLC đã xuống mức thấp nhất kể từ 2016, trong khi lợi nhuận ròng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Nhiều khoản đầu tư đang thua lỗ
Với việc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu, công ty con, công ty liên kết của FLC đang chịu thua lỗ khiến tập đoàn phải trích lập dự phòng trên nghìn tỷ.
Cụ thể, đến cuối năm 2021, tập đoàn này có 2 khoản đầu tư vào cổ phiếu của 2 doanh nghiệp trong “hệ sinh thái FLC” là AMD (Khoáng sản FLC) và HAI (Nông dược HAI) với tổng giá trị gần 265 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản đầu tư vào HAI là gần 261 tỷ. Tuy nhiên, FLC đã phải trích lập dự phòng gần 74 tỷ đồng với khoản đầu tư này do giá trị hợp lý của cổ phiếu HAI thấp hơn giá vốn tập đoàn đầu tư.
Tương tự, đến cuối năm 2021, FLC đầu tư góp vốn hơn 5.320 tỷ đồng vào các công ty con, nhưng cũng phải dự phòng hơn 891 tỷ đồng.
Trong đó, hầu hết công ty con là chủ đầu tư và vận hành chuỗi sân golf, resort của tập đoàn này đang gặp thua lỗ khiến tập đoàn mẹ FLC phải trích lập dự phòng, như Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort giá gốc đầu tư 800 tỷ, nhưng phải dự phòng 443 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Quản lý Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC đầu tư 200 tỷ, phải dự phòng 90 tỷ; Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort đầu tư 1.050 tỷ, phải dự phòng 16 tỷ; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long đầu tư 500 tỷ, phải dự phòng 334 tỷ…
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư vào các công ty liên kết của FLC cũng đang phải trích lập dự phòng, trong đó lớn nhất là khoản đầu tư 4.015 tỷ vào Bamboo Airways đang phải dự phòng 388 tỷ đồng.
Tại FLC, ông Trịnh Văn Quyết hiện vẫn là nhân sự có ảnh hưởng nhất với vai trò là chủ tịch HĐQT. Ông Quyết đồng thời là cổ đông lớn nhất tại nhà phát triển bất động sản du lịch này.
Đến cuối năm 2021, ông Quyết nắm giữ tổng cộng 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ công ty. Trong khi đó, những người thân trong gia đình ông không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của FLC.
Đầu tháng 1 năm nay, ông Quyết đã thực hiện giao dịch bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Tuy nhiên, các giao dịch này được thực hiện mà chưa báo cáo cơ quan quản lý, chưa công bố thông tin nên HoSE đã bị hủy bỏ giao dịch và buộc hoàn tiền cho các nhà đầu tư mua đối ứng cổ phiếu FLC từ tài khoản ông Quyết bán ra.
Sau sự kiện này, cơ quan quản lý chứng khoán cũng đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 5 tháng với ông Trịnh Văn Quyết. Đến nay, ông Quyết vẫn là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này với gần 1/3 tổng lượng cổ phiếu lưu hành.
Chiều 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Về phía điều hành và quản trị, FLC cho biết ông Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc FLC thực hiện các công việc, quyền chủ tịch HĐQT tại FLC và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp này.