Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Công suất HRC trong quý 3/2023 ước đạt 100%
Các đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) trong quý 3/2023 ước đạt 100% công suất của nhà máy, chủ yếu nhờ kênh xuất khẩu tăng trưởng tốt.
Công suất HRC ước đạt 100% trong quý 3/2023
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG – sàn HoSE), các đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý 3/2023 đạt 100% công suất của nhà máy (250.000 tấn/tháng). Nhu cầu chủ yếu tới từ kênh xuất khẩu, do các lò cao tại châu Âu tạm dừng hoạt động đề bảo trì từ tháng 7/2023, khiến các nhà phân phối đẩy mạnh nhập khẩu và tích trữ hàng tồn kho.
Sản lượng tiêu thụ HRC của Tập đoàn Hòa Phát trong tháng 7 và tháng 8/2023 lần lượt đạt 291.000 tấn và 241.000 tấn, với các thị trường xuất khẩu chính tại châu Âu và châu Á. Tuy vậy, Tập đoàn Hòa Phát cũng chịu áp lực cạnh tranh về giá với các hãng sản xuất thép từ Trung Quốc.
Bước sang quý 4/2023, KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định nhu cầu HRC sẽ đi ngang so với quý 3/2023, trước khi được cải thiện từ quý 2/2024. Do trong quý 4/2023, các lò cao tại châu Âu sẽ hoạt động trở lại trong khi đó, nhu cầu tại Mỹ và EU vẫn ở mức yếu. Đồng thời, Tập đoàn Hòa Phát còn chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp thép tại Trung Quốc khi các doanh nghiệp này áp dụng chiến lược giá rẻ để giảm tồn kho.
Điều này được phản ánh khi khoảng chênh giữa giá thép tại Mỹ, châu Âu so với Trung Quốc, Việt Nam có xu hướng giảm dần trong quý 3/2023; trong đó, mức chênh lệch giá tại tháng 8/2023 đã giảm gần 50% so với hồi tháng 5/2023.
Xem thêm: "Chuyển động mới về đề xuất đầu tư 5 tỷ USD của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tại tỉnh Phú Yên" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Thị trường thép nội địa kỳ vọng hồi phục từ quý 2/2024
Đối với thị trường nội địa, KBSV đánh giá nhu cầu về thép vẫn ở mức ảm đạm và kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý 2/2024. Cụ thể, sức tiêu thụ tại thị trường nội địa tiếp tục duy trì ở mức thấp trong quý 2/2023 khi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đi ngang so với quý 1/2023, với 15 dự án Bất động sản được phép xây dựng trong kỳ.
Bước sang quý 3/2023, sức cạnh tranh trên thị trường thép trong nước tăng lên khi sức tiêu thụ vẫn ở mức thấp, và sản lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng lên trong tháng 7 và tháng 8/2023, chủ yếu do giá các mặt hàng thép Trung Quốc đã giảm từ 3-5% so với quý 2/2023.
KBSV kỳ vọng giá thép trong nước có thể được cải thiện từ quý 4/2023 - quý 1/2024 nhờ đà phục hồi của ngành bất động sản và chính sách hạn chế sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ khiến áp lực thép giá rẻ từ Trung Quốc giảm xuống.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong quý 3/20223, Tập đoàn Hòa Phát đã mở lại lò cao cuối cùng tại Khu liên hợp Dung Quất vào đầu tháng 7/2023. Đồng thời, lò cao số 3 tại Khu liên hợp Hải Dương cũng đã tạm dừng sản xuất theo kế hoạch từ đầu năm để bảo trì và nâng cấp; giai đoạn này dự kiến sẽ kéo dài 03 tháng. KBSV hiện ước tính công suất thép của Tập đoàn Hòa Phát trong giai đoạn này sẽ giảm 100.000 tấn/tháng, và sau khi quay trở lại hoạt động, công suất sản xuất thép thô toàn tập đoàn sẽ tăng thêm khoảng 1,2%.
Trong điều kiện thị trường hiện nay với sức tiêu thụ yếu, Tập đoàn Hòa Phát định hướng sẽ tiếp tục tối ưu và duy trì số ngày quay vòng hàng tồn kho ở mức thấp (119 ngày trong quý 2/2023) cho tới cuối năm nay để kiểm soát chi phí trong quá trình sản xuất và hạn chế tác động của tỷ giá.
Tập đoàn Hòa Phát vẫn đang ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi sản lượng xuất khẩu thép xây dựng đạt 98.000 tấn trong tháng 8/2023, cao gấp nhiều lần so với mức trung bình của 6 tháng đầu năm nay. Trong các tháng cuối năm nay, kênh xuất khẩu vẫn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cải thiện sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Hòa Phát, tới cuối tháng 8/2023, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành nền móng để xây dựng các lò BOF, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt 90%. Việc xây dựng đang được triển khai theo đúng tiến độ với CAPEX đạt 30% kế hoạch, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến dự án Dung Quất 2 sẽ có sản phẩm HRC đầu tiên từ quý 1/2025, với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1.
Dự án Dung Quất 2 có tổng công suất thiết kế ở mức 5,6 triệu tấn/năm (bao gồm 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt). Tập đoàn Hòa Phát hiện dự kiến sẽ cần 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành ở mức tối đa.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 22/9, cổ phiếu HPG đạt 27.300 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu HPG tăng hơn 48%.