Tập đoàn Hoa Sen bất ngờ muốn phát triển chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa bất ngờ đưa ra kế hoạch xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng (VLXD) cơ bản với danh mục sản phẩm đa dạng. Đây được xem là chiến lược sự khác biệt của HSG so với các doanh nghiệp trong ngành.
Tập đoàn Hoa sen cho biết định hướng chiến lược của Tập đoàn là luôn tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh lành mạnh, đứng vững và phát triển lớn mạnh trên thị trường. HSG sẽ tập trung khai thác chuỗi giá trị chính của HSG hiện tại bao gồm hệ thống sản xuất (HTSX) và hệ thống phân phối (HTPP).
Đối với HTSX, hiện tại HSG đã hoàn tất đầu tư 10 nhà máy phân bổ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, giúp tối ưu chi phí vận chuyển và đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của thị trường.
Còn với HTPP do chính HSG làm chủ, là lợi thế khác biệt nhất của HSG, trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững so với các DN trong ngành. Đây có thể xem là một bước tiến quan trọng giúp HSG xây dựng cho riêng mình một mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ VLXD cơ bản với danh mục sản phẩm đa dạng.
Theo Tập đoàn Hoa Sen, việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh được đánh giá sẽ mang lại lợi ích và giúp HSG tăng doanh thu, lợi nhuận trong thời gian sắp tới.
Thứ nhất, trong lĩnh vực VLXD cơ bản, HSG là đơn vị duy nhất sở hữu riêng một HTPP trải dài trên cả nước. Một số doanh nghiệp cùng ngành đã từng triển khai xây dựng HTPP nhưng không thành công, thậm chí tại Việt Nam cũng rất ít doanh nghiệp sản xuất nào có một hệ thống phân phối như HSG.
Thứ hai, là khả năng tạo ra giá trị. HTPP chính là yếu tố quan trọng trong việc bao phủ thị trường nội địa của HSG. HTPP bán hàng đến tận tay người tiêu dùng nên dễ dàng nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng ở từng phân khúc, từng thị trường giúp cho việc vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ rất linh hoạt và tạo ra một biên lợi nhuận vượt trội.
Các yếu tố then chốt để thực hiện mô hình đều có sẵn từ mặt bằng, thương hiệu, con người, khách hàng,… nên công việc sắp tới là HSG khai thác tối đa những gì đã sẵn có.
Thứ ba, HSG đã có kinh nghiệm gần 20 năm trong việc xây dựng và quản trị HTPP, quản trị hệ thống cung ứng sản phẩm cho chuỗi cửa hàng.
Hiện tại HTSX, HTPP của HSG đã được quản lý bằng ERP nên chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ được vận hành rất có bài bản ngay cả khi mở rộng danh mục ngành hàng/sản phẩm mới.
HSG xây chuỗi cửa hàng VLXD ra sao?
HSG đang sở hữu bao gồm một chuỗi 536 cửa hàng trên 63 tỉnh thành. Tất cả các cửa hàng hiện đang có doanh thu, lợi nhuận ổn định thông qua việc kinh doanh 3 mặt hàng do HSG sản xuất: tôn, ống thép, ống nhựa.
Trên cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự, tập khách hàng của chuỗi cửa hàng sẵn có, HSG sẽ khai thác thêm giá trị gia tăng trong lĩnh vực VLXD trên địa bàn kinh doanh mà HSG đã rất am hiểu. Theo đó, việc khai mô hình cuỗi cửa hàng VLXD làm 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, HSG sẽ triển khai thử nghiệm việc mở rộng mặt hàng kinh doanh trong ngành VLXD cơ bản. Đây là ngành kinh doanh cốt lõi của HSG, đảm bảo giảm đến mức thấp nhất có thể các rủi ro phát sinh khi triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2, sau khi mô hình đã có những kết quả tích cực, HSG sẽ tiếp tục mở rộng danh mục kinh doanh sang các mặt hàng khác trong lĩnh vực VLXD, trang trí nội thất. Tiếp đó, HSG đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối VLXD tại các tỉnh.
Các trung tâm phân phối VLXD này vừa có chức năng bán hàng vừa làm vai trò phân phối để phục vụ hàng hóa cho chính hệ thống chân rết là các chuỗi cửa hàng bán lẻ vốn đã có doanh thu ổn định và lợi nhuận chắc chắn.
Giai đoạn 3, khi tình hình tài chính HSG thặng dư hơn và đã đa dạng hóa thành công các mặt hàng, HSG sẽ đầu tư vốn vào chính các công ty sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng của HSG để tăng thêm giá trị gia tăng.
Về những rủi ro khi triển khia mô hình trên, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, hoàn toàn có đủ các cơ sở để tin tưởng vào sự thành công của mô hình phát triển này.
Bởi, HSG là một thương hiệu mạnh, hiện sở hữu một tập khách hàng lớn, đa dạng và có nhu cầu thực đối với hàng hóa VLXD cơ bản.
Ông Trần Quốc Trí, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hiện hệ thống cửa hàng của HSG vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
“Chúng tôi đã triển khai thử nghiệm mô hình bán hàng này ở một số cửa hàng và thu về những kết quả rất tích cực. Chính vì vậy, chúng tôi tự tin việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm sẽ làm gia tăng doanh thu, lợi nhuận của HSG, khai thác tối đa hiệu quả hoạt động và giá trị của HTPP hiện có”, ông Trí nói.
Ở Việt Nam, trong ngành VLXD vẫn chưa có doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng bán lẻ VLXD cơ bản. Đây là cơ hội phát triển bức phá cho các doanh nghiệp dám nghĩ khác, làm khác.
Bản thân HSG đã đi lên từ việc thành lập các cửa hàng phân phối bán lẻ rồi dần dần đầu tư vào lĩnh vực sản xuất để tạo ra một quy trình sản xuất và kinh doanh khép kín như hiện nay nên HSG sẽ vô cùng am hiểu thị trường, tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.
HSG khẳng định sẽ xây dựng riêng cho mình một chiến lược phát triển riêng cho thị trường Việt Nam mà không rập khuôn, sao chép theo bất cứ mô hình nào.
Hoa Sen đạt lợi nhuận 690 tỷ đồng trong 3 quý, tăng gần 150% so với cùng kỳ
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 6/2020 và quý 3 niên độ tài chính (NĐTC) 2019 - 2020 từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020.
Theo đó, tháng 6/2020, doanh thu HSG ước đạt 2.121 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 105 tỷ đồng và quý 3 NĐTC 2019 – 2020, doanh thu HSG ước đạt 6.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 307 tỷ đồng.
Như vậy 9 tháng NĐTC 2019 – 2020 doanh thu HSG ước đạt 19.189 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, đạt 69% kế hoạch niên độ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế HSG 9 tháng NĐTC 2019 - 2020 ước đạt 689,7 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ, hoàn thành 172% kế hoạch niên độ.
Kết quả kinh doanh này là khả quan trong bối cảnh kinh tế đang bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng HSG vẫn nằm trong số ít doanh nghiệp ngược dòng bức phá.