Tập đoàn Hoa Sen: Nhóm quỹ đầu tư Dragon Capital mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu HSG
Nhóm quỹ đầu tư Dragon Capital vừa thông báo tiếp tục mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu HSG, nâng sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen lên mức 6,38% vốn điều lệ. Trước đó, nhóm quỹ này đã mua vào 2,5 triệu cổ phiếu HSG vào ngày 12/6.
Theo thông báo được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong ngày hôm qua, nhóm quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital đã hoàn tất việc mua vào 4,5 triệu cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; qua đó, nâng sở hữu tại tập đoàn này từ 5,26% lên 6,38% vốn điều lệ vào ngày 14/06.
Cụ thể, quỹ Norges Bank mua vào 2 triệu cổ phiếu; quỹ Grinling International Limited mua 1 triệu cổ phiếu; quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua 1 triệu cổ phiếu; và quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited mua 0,5 triệu cổ phiếu. Trong số các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited hiện đang nắm giữ cổ phiếu HSG nhiều nhất, đạt 13,65 triệu cổ phiếu, tương đương 2,28% vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Sen.
Trước đó, ngày 12/6, nhóm quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital cũng mua vào 2,5 triệu cổ phiếu HSG, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,79% lên 5,2% vốn điều lệ Tập đoàn Hoa Sen; qua đó, trở thành cổ đông lớn của tập đoàn này.
Động thái mua ròng liên tiếp cổ phiếu HSG của nhóm quỹ Dragon Capital diễn ra khi chính nhóm quỹ này vừa bán 1,75 triệu cổ phiếu HSG vào ngày 25/5, giảm sở hữu từ 5,12% xuống còn 4,82% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Hoa Sen.
Cuối tháng 5 vừa qua, sau khi Tập đoàn Hoa Sen công bố Báo cáo tài chính bán niên cho niên độ tài chính 2022 – 2023, Sở Giao dịch Chứng Khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu HSG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (niên độ tài chính 2022-2023) là số âm. Niên độ tài chính 2022 – 2023 của Tập đoàn Hoa Sen bắt đầu từ tháng 10/2022 – tháng 9/2023.
Theo đó, trong nửa đầu niên độ tài chính 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 14.898 tỷ đồng, giảm hơn 49% so với cùng kỳ niên độ trước, và lợi nhuận sau thuế lỗ 424 tỷ đồng, so với mức lãi 873 tỷ đồng trong cùng kỳ niên độ 2021 – 2022.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này giảm mạnh từ 12% xuống chỉ còn 7,3% trong nửa đầu niên độ tài chính 2022 – 2023. Lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh trong khi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh như chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp có mức độ giảm thấp hơn. Đây chính là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận mức lỗ lớn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi.
SSI Research nhận định kênh tiêu thụ nội địa của Tập đoàn Hoa Sen vẫn tiếp tục suy yếu với sản lượng tiêu thụ trong quý 2 niên độ tài chính 2022 - 2023 (1/1 – 31/3/2023) chỉ đạt 167.000 tấn, giảm 37% so với cùng kỳ niên độ trước. Mức tiêu thụ này tương đương với mức đáy của quý 4/2021 trong bối cảnh thực thi giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, kênh xuất khẩu của tập đoàn này đã ổn định trở lại, với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 50.000 tấn trong tháng 2 và tháng 3/2023, so với mức đáy khoảng 32.000 tấn từ tháng 7 đến tháng 9/2022. Con số này vẫn thấp hơn khoảng 50% - 60% so với mức đỉnh của nửa cuối năm 2021. Hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng có thể sẽ phục hồi nhờ nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Tập đoàn đã ghi nhận các đơn hàng xuất khẩu đặt trước khoảng 100.000 tấn.
Trong niên độ tài chính 2022 - 2023, Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu dao động từ 34.000 – 36.000 tỷ đồng, và lợi nhuận dao động từ 100 – 300 tỷ đồng, tương ứng với phương án tiêu thụ từ 1,4 – 1,5 triệu tấn thành phẩm. Như vậy, kết thúc nửa đầu niên độ tài chính 2022 – 2023, Tập đoàn Hoa Sen vẫn còn cách ra xa kế hoạch lãi trong cả niên độ.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/6, giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đạt 16.500 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu HSG đã tăng hơn 33%.