Áp thuế đối ứng 46%: kịch bản nào tiếp theo?
Thị trường chứng khoán phản ứng mãnh liệt bằng phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử, còn những tác động cụ thể đến kinh tế Việt Nam đang được giới quan sát chờ đợi kết quả vòng đàm phán tiếp theo.

Xuất khẩu Việt Nam sẽ đối diện nhiều khó khăn năm 2025. Ảnh minh họa.
Lo xuất khẩu giảm, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế suất đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam, đưa quốc gia này vào nhóm phải chịu mức thuế cao nhất. Đây là một động thái bất ngờ khi trước đó thị trường chỉ kỳ vọng 10-20%.
Xuất khẩu bị ảnh hưởng với nhiều ngành nghề là điều mà nhiều chuyên gia nhắc đến trong những phân tích đầu tiên trước diễn biến áp thuế đối ứng mới nhất từ phía Mỹ. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức tương đương gần 26% GDP, nên kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi tác động tiêu cực.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, trong kịch bản xấu nhất với mức thuế 46%, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ có thể giảm 20-25% trong năm nay so với kịch bản không có thuế quan. Với kịch bản lạc quan hơn (thuế 20-25%) thì tác động ít nghiệm trọng hơn với mức giảm 5-10%.
Các lĩnh vực chịu ảnh nặng nề nhất là những ngành xuất khẩu nhiều sang Mỹ, bao gồm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ và Bất động sản Khu công nghiệp khi bị ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận, thay đổi chuỗi cung ứng hay lo ngại về dòng vốn đầu tư.
Đánh giá tương tự, theo nhóm phân tích Công ty chứng khoán Maybank, dòng vốn FDI hiệ là mối quan tâm lớn trong bối cảnh mức thuế cao. Dòng vốn đăng ký FDI dự báo trong năm nay có thể chững lại. Bài toán tiếp theo mà Việt Nam đối mặt sẽ là việc cạnh tranh dòng vốn với các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia…
Tuy nhiên, khoảng cách thuế giữa Việt Nam và các đối thủ này chỉ khoảng 10%. Mức chênh lệch này có thể thu hẹp nếu Chính phủ Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận với Mỹ. “Các nhà đầu tư FDI phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi quyết định di chuyển sang quốc gia khác trước lợi thế cốt lõi của Việt Nam”, nhóm phân tích Maybank bình luận.
Đánh giá tương tự, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng mức thuế cao sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu mà còn làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quốc tế mà Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang chọn Việt Nam như một cứ điểm sản xuất nhằm xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, khi hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị đánh thuế, khiến chi phí xuất khẩu bị đội lên quá cao, các tập đoàn này có thể xem xét chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác có ưu đãi thương mại tốt hơn.
“Điều này có thể dẫn đến nguy cơ rút vốn hoặc ngưng mở rộng đầu tư FDI tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa hiện đang tham gia cung ứng linh kiện hoặc gia công cũng sẽ bị ảnh hưởng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn”, ông Tuấn bình luận.

Mức thuế đối ứng Mỹ vừa tuyên bố trong tuần qua.
Còn nhiều vấn đề tranh cãi
Mức thuế 46% đối với Việt Nam mà Tổng thống Donald Trump nêu lên gây tranh cãi về cách tính toán, dù phía Mỹ đưa ra công thức tính dựa trên mô hình thuế suất đối ứng liên kết thuế quan với thâm hụt thương mại hàng hóa song phương, đạt 104,6 tỉ đô la vào năm 2024. Cũng cần lưu ý rằng phương pháp này chỉ xem xét thương mại hàng hóa, mà bỏ qua thặng dư dịch vụ (10 tỉ đô của Mỹ với Việt Nam).
Báo cáo của VinaCapital mới đây dẫn lại phân tích từ Bloomberg và các nguồn đáng tin cậy khác, cho rằng thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa từ Mỹ chỉ cao hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên hàng hóa từ Việt Nam – và mức chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa hai nước là tương đương nhau nếu tính tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu theo hàng hóa làm trọng số.
Trước đó, báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố ngày 1-4-2025, đánh giá về chính sách thương mại, rào cản thương mại cũng như phi thuế quan… của gần 60 quốc gia, trong đó khẳng định rằng “phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế từ 15% trở xuống”.
Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng mức thuế đối ứng cao 46% là điểm khởi đầu cho những vòng đàm phán phía sau. Tuy nhiên, theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt.
“Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25%. Điều này sẽ là một yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay”, ông Michael Kokalari bình luận.
Hiện nay, vấn đề áp thuế cụ thể cũng chưa có rõ ràng khi Mỹ cũng đặt một số sản phẩm đặc biệt ra khỏi danh sách thuế đối ứng, nhưng bản thân các mặt hàng này cũng có thể chịu mức thuế khác trong các chính sách khác.
Nhìn chung, ông Tuấn của Fulbright đánh giá rằng chính sách thuế này không chỉ nhắm đến riêng Việt Nam mà còn áp dụng với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trong một số ngành hàng xuất khẩu.
“Điều này đồng nghĩa với việc môi trường cạnh tranh có thể tái định hình theo hướng toàn diện hơn, chứ không chỉ là bất lợi đơn phương cho Việt Nam. Vì vậy, từng ngành hàng cần chủ động đánh giá lại vị thế cạnh tranh của mình, bao gồm cả lợi thế lẫn thách thức, để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp và linh hoạt”, ông Tuấn nhìn nhận.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ap-thue-doi-ung-46-kich-ban-nao-tiep-theo/