Tập đoàn Nagakawa nặng gánh hơn 1.000 tỷ đồng nợ, chiếm hơn nửa tổng nguồn vốn
Dù doanh thu quý I/2025 tăng trưởng mạnh 42%, Tập đoàn Nagakawa vẫn đang đối mặt với áp lực tài chính lớn khi tổng dư nợ vay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nguồn vốn. Chi phí lãi vay cao cùng khoản nợ ngắn hạn phình to đặt ra bài toán cân đối tài chính và kiểm soát rủi ro cho doanh nghiệp trong các quý tiếp theo.
Vay nợ hơn 1.000 tỷ đồng
CTCP Tập đoàn Nagakawa (mã: NAG) vừa công bố tình hình kinh doanh quý đầu năm 2025 với doanh thu thuần đạt 963 tỷ đồng, tăng ấn tượng 42,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ở mức 879,4 tỷ đồng, tăng 44,4%, lãi gộp đạt 83,5 tỷ đồng, tăng 23,9%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 96% xuống 1,4 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm nhưng vẫn ở mức cao, giảm 16% xuống 18,5 tỷ đồng, trong đó 13,5 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng 36,5 tỷ đồng; chi phí quản lý 10,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,5% và 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, quý I, Tập đoàn Nagakawa báo lãi 13,7 tỷ đồng, tăng 6,7%, trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 16,8 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của doanh nghiệp tính tới cuối kỳ đạt 2.036 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Trữ tiền đạt hơn 430 tỷ dồng, tăng 8% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 14,4% lên 845,8 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả kỳ này tăng 14,7% lên 1.578 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 1.576 tỷ đồng. Vay nợ ở mức 1.071,3 tỷ đồng, chiếm tới 52,6% tổng nguồn vốn.
Như vậy, mặc dù chi phí tài chính giảm 16% xuống còn 18,5 tỷ đồng, nhưng đây vẫn là một mức chi phí khá cao, trong đó 13,5 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Với tỷ lệ vay nợ cao (1.071,3 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng nguồn vốn), doanh nghiệp đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn vay để duy trì hoạt động. Điều này có thể tạo ra rủi ro tài chính lớn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất có thể thay đổi hoặc nếu khả năng trả nợ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi từ thị trường hoặc nội bộ.
Ai đang sở hữu Nagakawa?
Theo cáo bạch, tiền thân của Nagakawa là Công ty Liên doanh Nagakawa Việt Nam, được thành lập ngày 22/8/2002 với số vốn pháp định 100 tỷ đồng. Tháng 3/2007, công ty chuyển đổi hình thức sở hữu thành CTCP Nagakawa. Hơn 10 năm sau đó, công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP Tập đoàn Nagakawa.
NAG hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cụ thể là cung ứng các sản phẩm điện lạnh, sản phẩm hàng gia dụng và sản phẩm thiết bị nhà bếp nhập khẩu . Trong đó, sản phẩm điện lạnh chủ lực hiện nay là các sản phẩm điều hòa dân dụng và sản phẩm điều hòa thương mại công suất lớn.
Theo Báo cáo quản trị năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Quý hiện đang là Chủ tịch HĐQT của NAG. Cổ đông lớn gồm: ông Nguyễn Đức Khả (bố đẻ bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) nắm gần 12,9 triệu cổ phiếu NAG, tương ứng 37,74% vốn điều lệ NAG. Còn bà Nguyễn Thị Huyền Thương nắm 1,5 triệu cổ phiếu NAG, tương ứng 4,45%.