Tập đoàn Sao Mai (ASM) lợi nhuận sụt giảm 70%, đầu tư chứng khoán thua lỗ, vay nợ vượt vốn chủ
Lợi nhuận Quý 2 của Tập đoàn Sao Mai (ASM) sụt giảm 70%, kinh doanh chứng khoán đang tạm thời ghi nhận thua lỗ tại cuối Quý 2.
Lợi nhuận Quý 2 sụt giảm 70%, kinh doanh chứng khoán thua lỗ
CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) là đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu cá. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2023 của đơn vị này đang có dấu hiệu giảm sút. Chưa kể tới hoạt động kinh doanh bên lề đầu tư chứng khoán cũng tạm ghi nhận lỗ vào cuối Quý 2.
Cụ thể thì trong Quý 2/2023, doanh thu của Tập đoàn Sao Mai đạt 3.254,9 tỷ đồng, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm 2.967,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ghi nhận 387,5 tỷ. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm từ 15,8% xuống chỉ còn 11,9%.
Doanh thu tài chính không biến động nhiều, đạt 56,2 tỷ đồng với phần lớn là lãi tiền gửi. Tuy nhiên ở chiều ngược lại chi phí tài chính lại tăng 61,6% lên mức 220 tỷ đồng. Phần tăng thêm chủ yếu nằm ở chi phí lãi vay.
Ghi nhận trên BCTC Quý 2, chi phí lãi vay đã tăng đột biến từ 102,1 tỷ lên tới 212,1 tỷ đồng. Tức là lãi vay trong kỳ của ASM đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong Quý 2. Mức lãi này cũng tương đương với việc ASM đang phải trả lãi vay 2,4 tỷ đồng mỗi ngày.
Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 140,4 tỷ xuống chỉ còn 36 tỷ đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 54,8 tỷ lên 69,6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đạt 118,1 tỷ, giảm 2/3 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị đang ghi nhận ở mức 118,5 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của ASM đạt 6.305,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 213,7 tỷ đồng. So với kế hoạch đặc ra từ đầu năm thì hiện tại ASM mới hoàn thành được hơn 41% kế hoạch doanh thu cùng 39,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hoạt động kinh doanh xuất khẩu cá và thức ăn cho cá đều giảm xuống lần lượt ở mức 1.475,9 tỷ và 2.782,9 tỷ đồng. Mảng điện năng lượng mặt trời lại ghi nhận doanh thu tăng lên 405,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó công ty cũng đang ghi nhận thua lỗ trong hoạt động đầu tư chứng khoán trên BCTC Quý 2.
Nợ vay vượt vốn chủ 2.346 tỷ đồng, ASM đang đầu tư vào đâu?
Tại thời điểm cuối Quý 2, tổng tài sản của ASM đạt 19.281,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Lượng tiền mặt của ASM sụt giảm mạnh từ 847,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 324,9 tỷ đồng. Lượng tiền mặt gửi ngắn hạn trong ngân hàng tăng từ 951,3 tỷ lên 1.700,8 tỷ đồng.
Một dấu hiệu cho thấy sự thiếu tối ưu về quản trị nguồn vốn của ASM đó là phải thu của khách hàng chiếm 1.886,7 tỷ đồng, tăng thêm 140 tỷ so với đầu năm. Trong khi đó công ty đã ứng trước tới 2.019,5 tỷ đồng cho người bán. Đồng nghĩa với việc công ty đã chi ứng trước hơn 2.019,5 tỷ nhưng lại đang cho khách hàng tạm nợ lại 1.886,7 tỷ. Điều này sẽ gây nên mất cân bằng nguồn vốn cũng như gây áp lực tới dòng tiền.
Trong cơ cấu nguồn vốn của ASM, nợ phải trả cũng đang chiếm 11.501,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 59,7% tổng nguồn vốn. Nợ vay ngắn hạn đang chiếm 5.872,9 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 4.252,4 tỷ đồng.
Tổng các khoản vay nợ của ASM là 10.125,3 tỷ đồng trong khi vốn chủ của doanh nghiệp chỉ ghi nhận ở mức 7.779,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng lượng nợ vay đã vượt 2.346 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu.
Về cấu trúc các công ty trong tập đoàn Sao Mai, tính đến hết Quý 2/2023, đơn vị đang có 12 công ty con được hợp nhất với tỷ lệ sở hữu từ 51,23% đến 100%. Trong đó đáng chú ý có Công ty TNHH Sao Mai Super Feed và Công ty TNHH T M Sao Mai Solar đang được sở hữu 100% bởi ASM.
Ngoài ra, trong cơ cấu tài sản của ASM cũng bao gồm 1.140,1 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn. Trong đó chiếm tới 401,3 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị Bình Long và 131,8 tỷ đồng tại Khu dân cư Lam Sơn Sao Vàng.