Tập đoàn viễn thông Nhật thâu tóm công ty khởi nghiệp về chất bán dẫn

Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank Group của Nhật Bản đã mua lại Graphcore, một công ty khởi nghiệp về chất bán dẫn của Anh; đây là công ty bán dẫn thứ hai của Anh mà SoftBank mua lại.

Biểu tượng SoftBank tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biểu tượng SoftBank tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank Group của Nhật Bản, đang tìm cách củng cố khoản đầu tư vào chip và trí tuệ nhân tạo (AI), đã mua lại Graphcore, một công ty khởi nghiệp về chất bán dẫn của Anh.

Hai bên đã công bố thỏa thuận vào ngày 12/7 song không tiết lộ các điều khoản tài chính cụ thể.

Ông Nigel Toon, Giám đốc điều hành của Graphcore, cho biết công ty có trụ sở tại Bristol sẽ hoạt động như một công ty con của SoftBank và giữ nguyên đội ngũ quản lý.

Đây là công ty bán dẫn thứ hai của Anh mà SoftBank mua lại, sau thương vụ tiếp quản Arm Holdings có trụ sở tại Cambridge vào năm 2016.

Arm Holdings là nhà thiết kế chip có công nghệ được sử dụng trong hầu hết điện thoại thông minh trên thế giới. Graphcore thường được coi là “nhà vô địch” của ngành công nghệ Anh, họ đã tham gia hội nghị thượng đỉnh an toàn AI đầu tiên của nước này vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông Toon đã công khai "phàn nàn" việc Chính phủ Anh thiếu hỗ trợ cho ngành.

Graphcore đã thiết kế một loại chip mới có tên gọi là IPU, phục vụ các ứng dụng AI. Việc tài trợ từ các nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm Sequoia Capital, đã mang lại cho công ty mức định giá thị trường 2,8 tỷ USD vào năm 2020 với hy vọng có thể cạnh tranh với Nvidia. Nhưng công ty khởi nghiệp của Anh gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng, ngay cả khi “cơn cuồng” công nghệ AI khiến nhu cầu về silicon tăng vọt.

Theo báo cáo mới nhất, Graphcore đã đạt được 2,7 triệu USD doanh thu trên mức thua lỗ 204,6 triệu USD vào năm 2022. Công ty tiết lộ rằng họ cần thêm tiền để tồn tại. Năm ngoái, Graphcore buộc phải rời Trung Quốc, một thị trường mà ông Toon cho là đầy hứa hẹn.

Ông Toon cho biết Graphcore đã huy động được "khoảng 700 triệu USD" trước khi được SoftBank mua lại. Ông Vikas Parekh, một đối tác quản lý của quỹ đầu tư SoftBank, cho biết trong một tuyên bố rằng SoftBank "hân hạnh được hợp tác" với Graphcore để hướng tới Trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI).

 Ông Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank. (Nguồn: Bloomberg)

Ông Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank, đã chuyển chiến lược của mình từ các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm sang các khoản đầu tư chiến lược vào AI và chất bán dẫn, sau khi Arm được niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán.

SoftBank trước đó cho biết đã giành được quyền đàm phán độc quyền với Sharp để mua một phần đất và cơ sở sản xuất tấm nền TV của công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Nhật Bản ở Sakai, Osaka.

SoftBank có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu dành cho các ứng dụng AI. Tập đoàn dự định trang bị cho trung tâm dữ liệu những con chip hiệu suất cao và biến trung tâm dữ liệu này thành một cơ sở lớn cho các công ty khác thuê để phát triển và vận hành AI.

Theo thỏa thuận, SoftBank có kế hoạch mua lại khoảng 60% tổng diện tích đất, cũng như nhà máy sản xuất tấm nền, nguồn điện và cơ sở làm mát tại địa điểm này. Giá trị của thương vụ này hiện chưa được tiết lộ. Nếu thỏa thuận thành hiện thực, trung tâm dữ liệu sẽ do SoftBank vận hành độc quyền và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm tới.

SoftBank có kế hoạch mua các bộ xử lý đồ họa tiên tiến từ Nvidia để cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết để phát triển AI tạo sinh. Đầu tháng Sáu vừa qua, Sharp đã công bố kế hoạch đàm phán với KDDI và các công ty khác để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI tại địa điểm này. Theo đó, Sharp sẽ đề xuất với KDDI rằng một phần của nhà máy Sakai tách biệt khỏi địa điểm của SoftBank sẽ được sử dụng cho trung tâm dữ liệu của KDDI và sẽ tiếp tục thảo luận với công ty viễn thông Nhật Bản.

SoftBank có kế hoạch đầu tư tổng cộng 170 tỷ yen (khoảng 1,1 tỷ USD) vào năm 2025 để tăng cường cơ sở hạ tầng tính toán cho AI tạo sinh. Tập đoàn đang xây dựng các trung tâm dữ liệu tại các thành phố lớn trên cả nước. Khu vực được quy hoạch cho địa điểm nhà máy Sakai sẽ đóng vai trò là trung tâm cho vùng Kansai phía Tây Nhật Bản.

Sharp đã đầu tư khoảng 430 tỷ yen để xây dựng nhà máy Sakai vào năm 2009, nhưng công ty này gặp khó khăn trong việc duy trì nhà máy hoạt động ổn định, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng Năm năm nay, công ty này đã cho biết sẽ đóng cửa nhà máy vào tháng Chín năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tap-doan-vien-thong-nhat-thau-tom-cong-ty-khoi-nghiep-ve-chat-ban-dan-post964540.vnp