Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị: Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp đang ở đâu?

Sản xuất nông nghiệp muốn đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao thì tư duy phải thay đổi, nông dân phải đoàn kết, 'bắt tay nhau' để sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ, tập trung và có sự liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đặc biệt phải gắn kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.

Hiện toàn tỉnh có 312 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 60,6% tổng số HTX. Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đề án Hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam, như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, tổ chức điều hành sản xuất của các HTX, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực đã được UBND tỉnh ban hành.

 Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chiếm hơn 60% tổng số HTX.

Số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chiếm hơn 60% tổng số HTX.

Các HTX đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy hình thành các liên kết, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân năm 2023 của HTX đạt hơn 1,7 tỷ đồng, lãi bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/HTX. Một số HTX hoạt động hiệu quả, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động như: HTX Rau quả Thắng Lợi, HTX Lâm Phong, HTX Thành Sơn (thị xã Sa Pa), HTX Hoa Lợi (thành phố Lào Cai), HTX Tả Củ Tỷ, HTX Chè Bản Liền (Bắc Hà), HTX chè Mường Khương, HTX Bản Sen, HTX Thịnh Phong (Mường Khương), HTX Mạnh Hương Gia Phú, HTX Nậm Dù (Bảo Thắng), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây (Bảo Yên); HTX Thế Tuấn Chiềng Ken, HTX Hướng nghiệp Tân An (Văn Bàn)…

 Nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Hết năm 2023, toàn tỉnh có 47 mô hình liên kết các sản phẩm nông nghiệp, cùng với 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân và 26 HTX tham gia liên kết với các HTX và hộ nông dân. Quy mô liên kết ước đạt 11.575 ha với 10.503 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.250 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Toàn tỉnh có hơn 20 HTX tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị một số sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai. Các HTX nông nghiệp đã tham gia 65 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia... Qua đó, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương với những sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao như chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, chăn nuôi… Trong mối liên kết, vai trò của HTX là mắt xích quan trọng và là cầu nối không thể thiếu.

 HTX Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn (Văn Bàn) liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

HTX Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn (Văn Bàn) liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương để phát triển vùng nguyên liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, số HTX nằm trong nhóm hoạt động tốt, khá chỉ chiếm 48% (trong tổng số HTX đủ điều kiện đánh giá); tỷ lệ HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể còn cao (103 HTX, chiếm 33% tổng số HTX nông nghiệp); HTX đã tham gia một số dự án liên kết sản xuất, nhưng chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có thị trường ổn định.

Như đối với cây chè, hiện tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.295 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 5.767 ha; hiện chỉ có 8 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè tươi cho nông dân, quy mô liên kết 539 ha (chiếm 0,9% tổng diện tích chè toàn tỉnh). Đối với cây chuối, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp, 1 HTX liên kết tiêu thụ quả chuối cho bà con (sản lượng khoảng 30%), số còn lại được tiêu thụ qua các tư thương, thị trường thiếu ổn định. Đối với cây quế, hiện có 4 HTX thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quế, diện tích liên kết 7.850 ha, chiếm tỷ lệ nhỏ (hơn 0,1%) trên tổng diện tích quế toàn tỉnh (khoảng hơn 58.000 ha)... Nhìn vào các con số "biết nói" để thấy, số lượng HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi chưa nhiều, vai trò của các HTX trong chuỗi liên kết còn mờ nhạt, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực.

Nguyên nhân là do các HTX đủ năng lực để tham gia các dự án theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia còn ít, hiện số cán bộ quản lý của các HTX có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 16,4%, cán bộ có trình độ trung cấp chiếm 17,9%, số còn lại chưa qua đào tạo). Hầu hết HTX không có tư liệu sản xuất, dẫn đến "đứt gãy" liên kết; nhiều HTX không tham gia tổ chức sản xuất cùng người dân, không lập được phương án kinh doanh khả thi. Các HTX điều hành chủ yếu theo kinh nghiệm và ngại thay đổi nên chưa mang lại cho người dân những lợi ích thiết thực...

Hợp tác xã là “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX là động lực quan trọng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Để phát huy vai trò của HTX trong chuỗi giá trị nông sản, trước hết cần tăng cường tuyên truyền về Luật HTX 2023, các văn bản liên quan về phát triển KTTT, HTX và liên kết sản xuất của tỉnh để nâng cao nhận thức cho thành viên các HTX.

 Mô hình liên kết sản xuất quế hữu cơ tại huyện Bảo Yên góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển ngành hàng quế bền vững.

Mô hình liên kết sản xuất quế hữu cơ tại huyện Bảo Yên góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển ngành hàng quế bền vững.

Cùng với đó, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với HTX trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng tham gia liên kết; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư theo chuỗi liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, tập trung nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất đối với các HTX đang thực hiện khá, tốt, đồng thời thành lập các tổ hợp tác làm vệ tinh cho các HTX tại cơ sở.

Tiếp tục rà soát các chính sách hiện có, đồng thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Tỉnh cần có nguồn lực riêng cho nội dung này nếu lồng ghép sẽ rất khó thực hiện vì đối với các HTX tham gia các chương trình mục tiêu thường không thuộc đối tượng được hưởng lợi. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với tạo việc làm, đặc biệt chú trọng tập trung vào các địa phương có sản phẩm chủ lực, có nguồn nguyên liệu tập trung ổn định, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia liên kết.

Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn cho các HTX trong việc phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành và các địa phương trong việc vận động các thành viên, hội viên tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Các hợp tác xã cần thay đổi tư duy về tổ chức hoạt động, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khẳng định vai trò “cầu nối” bền chặt của mình trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bài cuối: Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử: Cơ hội nào cho hợp tác xã?

Vũ Thanh Nam - Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-2-xay-dung-chuoi-gia-tri-vai-tro-cua-hop-tac-xa-nong-nghiep-dang-o-dau-post387895.html