Tập gym đều mà vai lệch, lưng cong: Bạn có đang bỏ qua điều gì?
Tập luyện để khỏe hơn, nhưng không ít người lại rơi vào nghịch lý: càng tập càng... lệch người, vẹo cột sống lúc nào không hay. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao điều tưởng chừng 'lành mạnh' lại trở thành nguyên nhân gây biến dạng cơ thể?
Khi thói quen tốt trở thành hiểm họa âm thầm
Một cơ thể khỏe mạnh, không tiền sử bệnh lý, chăm chỉ vận động mỗi ngày… nghe qua tưởng như công thức hoàn hảo cho sức khỏe lý tưởng. Nhưng thực tế, ngày càng nhiều người, đặc biệt là những ai chơi thể thao thường xuyên, lại rơi vào tình trạng lưng lệch, vai cao vai thấp hoặc thậm chí bị chẩn đoán vẹo cột sống chức năng – một dạng cong vẹo xảy ra do thói quen vận động sai.
Theo Tiến sĩ Scott Blumenthal (Đại học Oregon, Mỹ), rất nhiều ca vẹo nhẹ cột sống ở người chơi thể thao không bắt nguồn từ bẩm sinh hay chấn thương, mà đến từ chính những chuyển động mất cân bằng kéo dài: “Tư thế sai, sử dụng một bên cơ thể quá nhiều – nếu không phát hiện và chỉnh sửa kịp thời – sẽ khiến trục xương sống dần bị xoay lệch”.
Các môn thể thao như tennis, golf, bóng chày hay nâng tạ một bên là những “thủ phạm” phổ biến khiến cơ thể phát triển không đối xứng, từ đó kéo theo biến dạng cột sống.

Ảnh minh họa
Không giống các chấn thương cấp tính, vẹo cột sống do thể thao tiến triển âm thầm và từ từ. Ban đầu là cảm giác mỏi lưng một bên, sau đó là vai không đều, rồi đến lúc người tập soi gương mới giật mình vì dáng đứng bị nghiêng hẳn sang một phía.
Nguyên nhân đến từ việc một số nhóm cơ như vai, lưng, hông... phát triển mạnh hơn ở một bên cơ thể. Ví dụ, người thuận tay phải chơi tennis sẽ có cơ vai và lưng phải săn chắc hơn. Sự chênh lệch này tạo lực kéo không đồng đều, khiến cột sống dần lệch trục mà người tập không hay biết.
Một nghiên cứu năm 2021 trên Journal of Pediatric Orthopedics cho thấy: Trong số hơn 200 thiếu niên chơi thể thao thường xuyên, có tới 15% bắt đầu cong cột sống nhẹ dù hoàn toàn không có dị tật bẩm sinh.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở người lớn. Trên Journal of Spine & Musculoskeletal Rehabilitation (2016), 24% số người tập gym không có huấn luyện viên bị cong lệch cột sống nhẹ sau 18 tháng tập sai tư thế.
Một điểm chung ở nhiều người gặp vấn đề này là thói quen... lười giãn cơ. Không ít người chỉ chăm chăm tập bài chính, nâng được bao nhiêu ký, chạy được bao nhiêu vòng mà bỏ qua bước cân bằng lại cơ thể sau vận động. Kết quả là một bên cơ thể có xu hướng co rút mạnh hơn, kéo cột sống lệch dần về một phía.
Không chỉ vận động viên, mà cả những người làm công việc tay chân một bên (khuân vác, ngồi lệch, làm việc với chuột máy tính quá nhiều) cũng đều tiềm ẩn nguy cơ lệch cột sống chức năng.

Ảnh minh họa
Phòng tránh vẹo cột sống: Nghe cơ thể và điều chỉnh sớm
Tin vui là vẹo cột sống chức năng hoàn toàn có thể phòng ngừa và cải thiện nếu phát hiện kịp thời.
- Trước tiên, hãy tập thói quen quan sát cơ thể trước gương, để ý vai có đều không, hông có lệch không, hoặc có bị đau lưng một bên sau mỗi lần tập luyện không. Nếu có dấu hiệu bất thường, nên đến bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc vật lý trị liệu để được kiểm tra chính xác.
- Khi tập luyện, nên lựa chọn các bài tập đối xứng, giãn cơ đầy đủ hai bên, tăng cường cơ trung tâm (core) để giữ trục cột sống ổn định.
- Những ai chơi thể thao “một bên” như tennis, golf, boxing nên kết hợp thêm các bài tập thân giữa, plank hai bên, tập tạ bằng cả hai tay để cân bằng phát triển cơ bắp.
- Với trẻ em đang phát triển hoặc người mới bắt đầu tập gym, việc được hướng dẫn kỹ thuật đúng ngay từ đầu là yếu tố sống còn để tránh lệch dáng, lệch trục về lâu dài.