Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của địa phương.
Ngày hội của cộng đồng dân cư
Rạng sáng 15-11, người dân làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) tập trung đông đủ tại khu vực nhà rông của làng. Bà con tất bật chuẩn bị để ngày hội chung của 9 thôn, làng diễn ra thật vui tươi, ấm cúng. Già làng Yưuh chia sẻ: “Người dân các làng về dự đều khen từ khâu tổ chức đến “mâm cỗ đoàn kết” nên mình rất phấn khởi!”.
Công tác chuẩn bị cho ngày hội được làng Kon Sơ Lăl chia theo từng giai đoạn và đều có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân. Trước đó 1 tháng, làng vận động mỗi hộ dân ủ 1 ghè rượu góp vui trong ngày hội. Một tuần trước, làng họp dân thống nhất nội dung công việc, phân công dọn vệ sinh đường làng, chuẩn bị hội trường, các tiết mục văn nghệ, cồng chiêng, đón tiếp đại biểu, liên hoan…
“Năm nay, làng mua 1 con heo, 1 con bò, chuẩn bị sẵn nguyên liệu để chế biến, nấu nướng cho kịp thời gian”-ông Yưuh thông tin.
Ông Thưu-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Tây-cho biết: “Trước đây, các làng chia thành 3 cụm để tổ chức ngày hội. Sau này, các làng thống nhất tổ chức tập trung và luân phiên hết làng này đến làng khác cho đông vui, đầm ấm.
Ngoài kinh phí do chính quyền địa phương hỗ trợ, các làng đóng góp thêm. Vào ngày hội, mỗi làng góp 1-3 ghè rượu để chung vui. Riêng làng đăng cai thì mỗi hộ góp 1 ghè rượu”.
Huyện Chư Păh có 109 thôn, làng, tổ dân phố; người dân tộc thiểu số chiếm trên 55% dân số. Bà Hồ Thị Thảo-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho hay: Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã cụ thể hóa và ban hành văn bản hướng dẫn Mặt trận các xã, thị trấn thực hiện. Lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên cùng cấp về dự ngày hội và chung vui với bà con.
Với người dân ở làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông), đây là năm đầu tiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, các hộ dân đều chủ động chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Vì làng chưa có hội trường chung nên ngày hội tổ chức tại khoảnh sân rộng trước nhà trưởng thôn.
Ông Siu Buih-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Khôn-cho hay: “Ngoài kinh phí 5 triệu đồng do chính quyền địa phương hỗ trợ, dân làng tự nguyện đóng góp thêm 4 triệu đồng. Chúng tôi mua con heo gần 1 tạ, gạo nếp, nguyên liệu chế biến và thuê khung rạp. Bà con có mặt đông đủ. Đại diện lãnh đạo xã, Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Lốp, Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) cũng tham gia với bà con rất vui, rất tình cảm.
Tại ngày hội, Ban Công tác Mặt trận đã phát động và ký giao ước thi đua chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa, xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống mới”.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-khẳng định: Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã đi vào nền nếp và trở thành nét đẹp trong cộng đồng các khu dân cư.
Trong khuôn khổ ngày hội, các khu dân cư cùng nhau ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam; đánh giá những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu. Đồng thời, phát động, ký cam kết thi đua, đề ra giải pháp thực hiện trong năm tiếp theo.
Từ ngày 1-11 đến nay, 1.576/1.576 khu dân cư trong tỉnh đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại ngày hội, cấp ủy, chính quyền địa phương đã biểu dương, khen thưởng 795 tập thể và 6.733 gia đình, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào, cuộc vận động. 1.193 phần quà đã được trao cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.
Tự hào và tiếp nối truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, những năm qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; gắn kết công tác Mặt trận với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc tại cơ sở…
Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp trên 120,8 tỷ đồng, hiến 529.908 m2 đất và tham gia gần 300 ngàn ngày công lao động để xây dựng các công trình dân sinh tại địa phương. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được hơn 88,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 796 căn nhà “Đại đoàn kết” và sửa chữa 282 căn nhà; hỗ trợ vốn sản xuất, khám-chữa bệnh cho người nghèo, người già không nơi nương tựa, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Phát huy những kết quả đạt được, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của địa phương.
Tiếp tục triển khai các phong trào, cuộc vận động có trọng tâm, trọng điểm nhằm khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024-2029) đi vào cuộc sống.