Tập huấn bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 150 lãnh đạo hợp tác xã
Ngày 15/10, tại Trường Đại học Cần Thơ, gần 150 lãnh đạo từ 40 hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ khuyến nông từ 15 tỉnh, thành phía Nam đã tham gia khóa tập huấn về bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, khóa tập huấn này là một phần trong dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương tổ chức.
Được biết, khóa tập huấn kéo dài từ ngày 15 - 18/10, nhằm cung cấp các kiến thức chuyên sâu về phân tích thị trường, kỹ năng phát triển kinh doanh và quy trình bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Các học viên sẽ được hướng dẫn quản lý tài chính, huy động vốn, sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải trong nông nghiệp.
Ông Trần Nhật Lam, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, nhấn mạnh vai trò của các hợp tác xã như những hạt nhân quan trọng tại địa phương, có tiềm năng trở thành hình mẫu cho sự phát triển nông thôn mới. Ông cũng lưu ý rằng hợp tác xã không chỉ đáp ứng các yêu cầu luật pháp và hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp vào cộng đồng thông qua việc tạo thêm việc làm cho các hộ khó khăn, giúp tăng thu nhập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, nhìn nhận các hợp tác xã vẫn còn những hạn chế về trình độ quản lý, điều hành. Kế hoạch sản xuất kinh doanh, cơ sở thiết bị, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra, liên kết doanh nghiệp để hình thành và phát triển nông nghiệp theo chuẩn giá trị còn ít, còn mang tính ngắn hạn.
"Khóa tập huấn lần này đã kịp thời tháo gỡ đúng những khó khăn của các hợp tác xã nông nghiệp, giúp hợp tác xã hoàn thiện”, ông Hè nói.
Nhân dịp này, Quỹ Thiện Tâm đã cung cấp các khoản vay ưu đãi không lãi suất trị giá 1 tỷ đồng cho mỗi hợp tác xã tham gia, với thời gian hoàn vốn lên đến 10 năm.
Bà Phan Thu Hương, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thiện Tâm, cho biết việc chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân sang hỗ trợ hợp tác xã sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo thu nhập ổn định cho các hộ nghèo ngay từ giai đoạn đầu của dự án.
Nguồn vốn sau khi được các hợp tác xã hoàn trả, dự án sẽ tiếp tục tái đầu tư, hỗ trợ các mô hình nông nghiệp tiềm năng khác, hoặc ưu tiên phân bổ xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh tại các địa phương.