Tập huấn đào tạo chuyên sâu cho mạng lưới khởi nghiệp công đoàn các cấp
Trường ĐH Công đoàn tổ chức tập huấn đào tạo chuyên sâu cho mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo công đoàn các cấp từ 5-22/9 tại Hà Nội.
Chia sẻ tại khóa tập huấn, TS Lê Cao Thắng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công đoàn nhìn nhận, cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc tới tương đối thường xuyên nhưng không có nghĩa là, Việt Nam đã sẵn sàng cho thúc đẩy khởi nghiệp xét từ góc độ thể chế, chính sách và các điều kiện liên quan. Thực tế, những yêu cầu cụ thể liên quan tới khởi nghiệp và các điều kiện phụ trợ cho hoạt động này còn thiếu vắng.
Đề cập đến các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS Lê Cao Thắng bật mí, đầu tiên cần có tư duy thiết kế. Đây là phương pháp thiết kế cung cấp cách tiếp cận dựa trên giải pháp để giải quyết vấn đề. Phương pháp này hữu ích trong xử lý các vấn đề phức tạp vốn mập mờ hoặc không xác định.
Theo TS Lê Cao Thắng, quy trình tư duy thiết kế gồm 5 giai đoạn: Đồng cảm, thấu hiểu vấn đề; định nghĩa, mô tả vấn đề; sáng tạo giải pháp; dựng mẫu và thử nghiệm.
Chia sẻ về kỹ năng thuyết trình gọi vốn, TS Lê Cao Thắng nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng để nhà đầu tư quyết định có rót vốn cho bạn hay không. Trong thuyết trình gọi vốn, bạn cần trả lời 3 câu hỏi: Anh/chị cần bao nhiều tiền? Anh/chị dùng tiền vào việc gì? Làm thế nào để tạo ra tiền?
“Trong 3 câu hỏi trên, bạn trả lời sai câu nào thì sẽ thất bại hoàn toàn trong thuyết trình gọi vốn. Phần giải đáp cho 3 câu hỏi này đều nằm trong kế hoạch kinh doanh của bạn. Cho nên kế hoạch kinh doanh là một phần tất yếu để trả lời các câu hỏi thuyết trình gọi vốn”, TS Lê Cao Thắng gợi mở.
Bên cạnh đó, TS Lê Cao Thắng lưu ý, có 4 điều mà các nhà đầu tư luôn đánh giá cao khi người thuyết trình tin tưởng, sự hiểu biết mô hình kinh doanh, tự tin về tài chính và khả năng sinh lợi nhuận.
Để thuyết trình gọi vốn thành công, theo TS Lê Cao Thắng bạn phải có: giới thiệu tổng quan, chi tiết về sản phẩm, nhu cầu thị trường, dự báo phát triển của sản phẩm, đội ngũ nhân viên, khó khăn thách thức, đối thủ cạnh tranh, chính sách thoái vốn.
Công thức để thuyết trình thành công gồm: 30% kinh nghiệm trên sân khấu + 20% nội dung được xây dựng khéo léo + 30% thực hành + 30% may mắn. Đối với những cuộc thi thuyết trình nhiều đối thủ mạnh và có sự tham gia của nhiều giới truyền thông, TS Lê Cao Thắng nhấn mạnh, các bạn cần nhiều hơn 30% sự may mắn vì tính cạnh tranh quá cao.
Ngoài ra, các bạn cần tìm thật nhiều cơ hội để thuyết trình, phát triển một hình mẫu lý tưởng; nội dung trình bày phải hấp dẫn thay vì kế hoạch kinh doanh chi tiết.
Các bạn cũng cần chắc chắn rằng, phần trình bày của bạn hấp dẫn, nhấn mạnh các vấn đề mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết; video giới thiệu sản phẩm dài tối đa 30 giây;
TS Lê Cao Thắng lưu ý thêm, sự khác biệt của sản phẩm là phần quan trọng nhất; giải thích quy mô thị trường tại từng phân khúc trong từng giai đoạn cụ thể. Các bạn cũng cần 1 tuần để luyện tập thuyết trình và hãy quên đi đối thủ, tập trung vào chính mình. Đặc biệt, cần có tư duy của người chiến thắng.