Tập huấn kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
Sáng 18/2, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: Nguyễn Ly
Tham dự buổi tập huấn có hơn 180 công chức, kiểm toán viên đến từ các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN). KTNN các khu vực kết nối trực tuyến với điểm cầu trụ sở chính KTNN (Hà Nội).
Trình bày các nội dung tổng quát và khảo sát, thu thập thông tin, xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong kiểm toán Chương trình MTQG, bà Đoàn Thị Thu Hà - Trưởng phòng, KTNN chuyên ngành IV cho biết, ngoài mục tiêu chung của KTNN hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán hàng năm, mục tiêu của cuộc kiểm toán về Chương trình MTQG gồm các nội dung chủ yếu: Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo quyết toán (hoặc số liệu thông tin tài chính) của chương trình; Đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, việc phối hợp của các đơn vị tham gia quản lý Chương trình; Đánh giá tình hình thực hiện, nội dung, mục tiêu Chương trình; Đánh giá tính tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ tài chính kế toán, các quy định của Chương trình và chính sách pháp luật có liên quan.

Bà Đoàn Thị Thu Hà - Trưởng phòng, KTNN chuyên ngành IV trình bày các nội dung tổng quát và khảo sát, thu thập thông tin, xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong kiểm toán Chương trình MTQG. Ảnh: Nguyễn Ly
Bên cạnh đó, KTNN đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện các nội dung của Chương trình; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị sử dụng vốn của Chương trình; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật; kiến nghị xử lý tài chính, tài sản phát hiện sai sót; phát hiện bất cập và đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách cho phù hợp. KTNN cung cấp thông tin, kết quả, kiến nghị kiểm toán cho cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ... về công tác quản lý tài chính công, tài sản công.

Hơn 80 kiểm toán viên tham gia buổi tập huấn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Ly
Về nội dung, phương pháp, thủ tục kiểm toán, ông Vũ Tiến Vượng - Phó trưởng phòng, KTNN chuyên ngành V thông tin: KTNN sẽ kiểm toán tổng hợp tại cơ quan chủ trì Chương trình, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan trung ương được phân công chủ trì nội dung thành phần thuộc Chương trình; thực hiện đối chiếu tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước.
Thời gian tới, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành, các Đoàn kiểm toán căn cứ tình hình thực tế để tiến hành khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán phù hợp.
Tại các tỉnh, thành phố, KTNN sẽ kiểm toán tổng hợp tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (các phòng ban huyện và tương đương); kiểm toán chi tiết tại các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh, đơn vị được giao kinh phí thực hiện Chương trình, đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án; đối chiếu tại các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc nhà nước tại địa phương…

Ông Vũ Tiến Vượng - Phó trưởng phòng, KTNN chuyên ngành V trình bày về nội dung, phương pháp, thủ tục kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Ly
Phương pháp và thủ tục kiểm toán thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 158/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Hướng dẫn kiểm toán chương trình MTQG của KTNN. Đối với các dự án đầu tư được kiểm toán chi tiết, trình tự, phương pháp và thủ tục kiểm toán dự án được thực hiện theo Hướng dẫn kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Đoàn kiểm toán sử dụng các phương pháp kiểm toán cơ bản: Kiểm tra tài liệu, quan sát, tính toán lại, phân tích, so sánh, chọn mẫu... Ngoài ra, có thể sử dụng một số phương pháp kiểm toán đặc thù áp dụng cho cuộc kiểm toán Chương trình MTQG như: Kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng công trình, thuê, lấy ý kiến chuyên gia.

Ông Trần Thành Vinh - Phó trưởng phòng, KTNN chuyên ngành V thông tin về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: Nguyễn Ly
Thông tin thêm về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ông Trần Thành Vinh - Phó trưởng phòng, KTNN chuyên ngành V chia sẻ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn trước, trong đó có chuẩn nghèo mới. Chương trình đưa ra mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều có tính bao trùm hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt lưu ý một số mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm… Căn cứ vào các mục tiêu này, KTNN tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán và tổ chức thực hiện kiểm toán để đánh giá tình hình thực hiện, nội dung, mục tiêu Chương trình; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện các nội dung của Chương trình và các nội dung khác theo đề cương hướng dẫn kiểm toán.
Đối với cuộc kiểm toán Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, KTNN chuyên ngành IV chủ trì, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị cùng tham gia kiểm toán; tổng hợp, lập báo cáo tổng hợp cho cả chuyên đề kiểm toán. KTNN các chuyên ngành, khu vực thực hiện kiểm toán lồng ghép với cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương hoặc tách ra tổ chức riêng Đoàn kiểm toán để thực hiện.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, KTNN chuyên ngành V chủ trì, tổ chức đoàn kiểm toán tại các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh được giao nhiệm vụ kiểm toán. KTNN các chuyên ngành, khu vực thực hiện kiểm toán lồng ghép với cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương hoặc tổ chức Đoàn kiểm toán riêng; lập báo cáo kiểm toán chuyên đề (đối với Đoàn kiểm toán độc lập) hoặc lập phụ lục báo cáo kiểm toán (đối với kiểm toán lồng ghép).