Tập huấn kiến thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Ngày 17/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa.

Hơn 100 đại biểu đại diện cho một số sở, ngành; UBND cấp huyện; Hội Nông dân tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; doanh nghiệp; các hội viên, thành viên HTX; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tham gia.

 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, báo cáo viên của Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia giới thiệu một số nội dung chính trong Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ KH&CN quy định về quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa (Thông tư số 02).

Theo Thông tư, TXNG là hoạt động giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Hệ thống TXNG cần bảo đảm các nguyên tắc: “Một bước trước-một bước sau” để đáp ứng khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn; thu thập, lưu trữ, cập nhật dữ liệu chính xác, kịp thời, minh bạch; có sự tham gia đầy đủ của các bên TXNG. Dữ liệu gồm: Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; tên, địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn sản xuất; mã TXNG; thương hiệu, nhãn hiệu; ngày sản xuất, hạn sử dụng…Tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên.

 Báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trao đổi tại hội nghị.

Báo cáo viên Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia trao đổi tại hội nghị.

Trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo viên của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia giới thiệu tới các đại biểu Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa Quốc gia. Cổng thông tin có chức năng kết nối các hệ thống TXNG trong và ngoài nước; lưu trữ, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa; chia sẻ dữ liệu cho các hệ thống khác.

Qua đó giúp quản lý thị trường hiệu quả; xây dựng thị trường minh bạch; tạo thuận lợi cho công tác báo cáo, thống kê; dự báo sản lượng, kế hoạch sản xuất; góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Trao đổi tại đây, các đại biểu đặt ra một số câu hỏi về cách thiết lập bảng biểu, nội dung ghi chép theo quy định tại Thông tư số 02; cách ghi nhãn hàng hóa; đăng ký mã số mã vạch; áp dụng hệ thống TXNG, công cụ quản lý tiên tiến cho sản phẩm OCOP… Các nội dung đều được báo cáo viên giải đáp tại hội nghị.

Thông qua đó giúp các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nắm rõ mục đích, nguyên tắc áp dụng TXNG sản phẩm, hàng hóa; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP; tạo điều kiện đưa sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Tin, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tap-huan-kien-thuc-ve-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-133216.bbg