Tập huấn kỹ năng quản lý tổ, nhóm sản xuất thuốc tắm Dao đỏ Sa Pa
Dự án được triển khai tại 14 thôn thuộc 4 xã của huyện Sa Pa.
Trong 3 ngày (8- 10/11), Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sa Pa tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng quản lý tổ, nhóm sản xuất và thu mua thuốc tắm truyền thống người Dao đỏ cho các nhóm nông dân cùng sở thích, trong khuôn khổ “Dự án phát triển chuỗi thuốc tắm người Dao đỏ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo tại các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên” (gọi tắt là Dự án GREAT).
Dự hội nghị có đại diện Văn phòng Quản lý Dự án GREAT tại Hà Nội và các trưởng nhóm, phó nhóm của 16 nhóm nông dân cùng sở thích thu hái bền vững thuốc tắm truyền thống người Dao đỏ tại 14 thôn, 4 xã thực hiện dự án gồm: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (Sa Pa).
Hội nghị còn có sự tham gia của các hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, chế biến thuốc tắm trên địa bàn huyện Sa Pa.
Hội nghị tập huấn nhằm giúp các thành viên ban quản lý nhóm nâng cao được kỹ năng quản lý tổ, nhóm; xây dựng kế hoạch hoạt động tổ, nhóm. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nguyên liệu thuốc tắm cho người dân hình thành chuỗi sản phẩm thuốc tắm một cách bền vững.
Tại hội nghị lần này, các vấn đề hợp tác giữa các nhóm nông dân cùng sở thích với các doanh nghiệp, HTX cũng được thảo luận và bước đầu đi đến thống nhất phương thức hợp tác trong chuỗi thuốc tắm truyền thống người Dao đỏ.
Phát triển chuỗi thuốc tắm người Dao đỏ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiếu số nghèo tại các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một tiểu dự án thuộc Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La ” sử dụng nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia (gọi tắt là dự án GREAT).
Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển bền vững chuỗi giá trị thuốc tắm gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Hoàng Liên; nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số để giúp họ tham gia hiệu quả vào chuỗi thuốc tắm của các doanh nghiệp; xây dựng và đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng bền vững vùng nguyên liệu cây thuốc.
Dự án cũng hỗ trợ 744 phụ nữ dân tộc thiểu số tại 14 thôn, thuộc 4 xã triển khai Dự án được tham gia khai thác, thu hái nguyên liệu thuốc tắm, giúp họ thực hiện đúng quy hoạch, hiệu quả và bền vững, phát huy sinh kế và nâng cao thu nhập. Qua đó, nâng cao vị thế của người phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào các dân tộc.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai trong 24 tháng (từ 1/9/2019 đến 30/9/2021) với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó, có trên 3,7 tỷ đồng là vốn đầu tư từ dự án GREAT và hơn 700 triệu đồng là vốn đối ứng của các đối tác.