Tập huấn kỹ năng về dinh dưỡng và phòng chống doping cho 1.000 HLV, VĐV
Ngày 11/7, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức lớp tập huấn: 'Nâng cao kỹ năng về dinh dưỡng, tâm lý thể thao và phòng chống doping trong tập luyện, thi đấu cho các đội tuyển thể thao quốc gia'.
Buổi tập huấn có sự tham gia của 1.000 huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) các đội tuyển thể thao quốc gia.
Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng, công tác huấn luyện và điều chỉnh tâm lý cho VĐV các môn thể thao đối kháng trực tiếp cấp cao Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục mới có thể nâng cao thành tích thi đấu.
Trong đó, nội dung và thời lượng huấn luyện tâm lý còn ít, chưa coi trọng việc rèn luyện, vận dụng kỹ năng tự điều chỉnh tâm lý thi đấu cho VĐV. Do đó, số lượng VĐV có trạng thái tâm lý xấu trước thi đấu còn cao.
“Khi huấn luyện tâm lý cho VĐV, các HLV cần sử dụng biện pháp hợp lý, đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời nâng cao năng lực, ý chí, nghị lực trong tập luyện và thi đấu cho các VĐV. Cùng với đó, nâng cao sự tự tin; giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống lành mạnh, khiêm tốn cho các VĐV. Ngoài ra cần thường xuyên giáo dục, nâng cao ý chí phấn đấu cho mỗi VĐV vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết, yêu thương, có khát vọng cống hiến cho thể thao Việt Nam, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, đem lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Theo Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam Nguyễn Xuân Ninh, VĐV đỉnh cao có cường độ vận động rất lớn trong tập luyện và thi đấu. Vì vậy, khẩu phần ăn cần năng lượng và dinh dưỡng lớn, thậm chí cao hơn 5 - 6 lần so với người không tập luyện.
Khẩu phần ăn tự nhiên khó có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, do vậy có thể dẫn đến một số bệnh lý như: thiếu năng lượng làm chỉ số BMI và mỡ thấp, mệt mỏi, giảm thành tích thi đấu; teo và đau nhức cơ xương do lượng protein cung cấp không đủ...
Đáng chú ý là bệnh thiếu máu do thiếu sắt, folate, nhất là ở VĐV nữ, bệnh suy giảm miễn dịch và suy nhược, lão hóa nhanh do sản sinh nhiều chất oxy hóa trong khi tập luyện.
Các thực phẩm bổ sung được sử dụng với mục đích bổ sung dinh dưỡng bị thiếu hụt, rất tiện lợi như bữa ăn thay thế, bữa ăn nhanh gọn trước, trong và ngay sau khi thi đấu, tập luyện.
Ngoài ra cũng có những VĐV bị mắc một số bệnh lý mạn tính (đái tháo đường, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…) hoặc một số môn thi đấu đòi hỏi giảm cân hoặc tăng khối cơ nhanh, thì việc sử dụng thực phẩm bổ sung là biện pháp cần thiết và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm bổ sung phù hợp cần có sự hướng dẫn của HLV, bác sĩ dinh dưỡng thể thao để phát huy đúng tác dụng, tránh lãng phí, tránh gặp phải sản phẩm kém chất lượng gây nhiều tác dụng phụ, dính doping/chất cấm.