Tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp
Chiều 30/1, Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn, lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho hơn 120 doanh nghiệp phía Bắc đã được tổ chức tại trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam.
Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc – năm 2024. do Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC2022) đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU);
Triển khai quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Kim Anh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Khoa học - Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31 tháng 3 năm 2023.
Đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025.
Các doanh nghiệp có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục;
Trong tình hình đó, Trung tâm Chứng nhận Chất lượng và Phát triển Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc – năm 2024 theo chức năng nhiệm vụ hoạt động được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của việc thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, được hướng dẫn về phương pháp, cách thức xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính; đơn giản hóa cách thức thực hiện và rút ngắn thời gian tính toán lượng phát thải khí nhà kính tại cơ sở đảm bảo theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
"Việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu", ông Kim Anh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã thảo luận, định hướng các giải pháp áp dụng: Kiểm kê khí nhà kính; Những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; Hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; Khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải.
Cùng với đó, tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp.
Hội thảo cũng nghe các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.