Tập huấn sử dụng SGK bước đệm cho giáo viên trước thềm năm học mới
NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, cơ bản đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng GV sử dụng SGK lớp 4,8,11 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hoàn thành công tác tập huấn
Năm học 2023-2024 là năm thứ tư các trường phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội. Theo đó, chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được thực hiện và năm học tới đây là năm đầu tiên các em học sinh lớp 4, 8, 11 được tiếp cận với SGK mới theo Chương trình 2018.
Để một năm học mới thành công, công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng dạy học.
Thông qua các chương trình tập huấn, các thầy cô sẽ nắm được cấu trúc sách và cấu trúc bài học, đặc biệt là biết cách để sử dụng SGK một cách hiệu quả, vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vừa thể hiện được các ý tưởng đổi mới.
Năm nay, công tác tập huấn SGK các lớp 4, 8, 11 đã được các nhà xuất bản triển khai từ đầu tháng 6. Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam, đến nay đơn vị cơ bản đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 4,8,11 tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Thông qua chương trình tập huấn, điều cốt lõi mà các tác giả muốn truyền đạt tới các thầy cô giáo chính là mục tiêu về chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện trong SGK mới như thế nào.
Định hướng phát triển phẩm chất và năng lực theo phương thức dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tế.
Dạy học theo định hướng trên thứ nhất đòi hỏi các thầy cô giáo trước tiên phải bám sát những yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình.
Thứ hai, cần tổ chức các hoạt động tích cực để qua đó phát triển năng lực cho học sinh mà những hoạt động đó đã được các tác giả sách chuẩn bị và biên soạn rất rõ ràng trong các bộ sách.
Thứ ba, quá trình kiểm tra, đánh giá sẽ bao gồm những câu hỏi, bài tập và nhất là những nhiệm vụ liên quan đến thực hành.
Tập huấn dựa trên phản hồi của giáo viên
Theo PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn 11, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, bên cạnh việc cung cấp các thông tin chung về SGK mới, nội dung tập huấn được các tác giả chuẩn bị dựa trên những phản hồi, ý kiến của giáo viên sử dụng sách trong năm học vừa qua. Những ý kiến phản hồi đó giúp các tác giả có sự hướng dẫn, giải đáp, hỗ trợ giáo viên sát hợp nhất.
“Sau các buổi tập huấn, giáo viên hoàn toàn có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, phân phối chương trình cũng như chuẩn bị các nội dung thực hiện với vai trò là người định hướng. Giáo viên có thể coi SGK là một nguồn ngữ liệu để giảng dạy, ngoài ra có thể sử dụng các nguồn tư liệu khác để làm phong phú thêm cho bài giảng” - PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.
Cô Trần Thị Vân - giáo viên Trường TH và THCS Trần Quang Đạo, TP. Rạch Giá, Kiên Giang cho biết: “Mới tập huấn buổi đầu tiên, tôi đã được hướng dẫn về nội dung và những điểm mới trong SGK, được xem những video, clip mẫu để biết được những bài học đó, trên thực tế đã được tổ chức thành những tiết học như thế nào”.
Đánh giá cao về các buổi tập huấn, cô Nguyễn Thị Tuyết Thanh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ cảm nhận sau buổi tập huấn SGK mới: “Chúng tôi - giáo viên bộ môn ngữ văn của tỉnh Kiên Giang rất vui mừng vì thông qua buổi tập huấn đã có cơ hội được gặp trực tiếp Tổng chủ biên để đặt ra những câu hỏi về vấn đề mình quan tâm.
Ví dụ như về các bước tổ chức hoạt động dạy học, đặc biệt là trong hoạt động dạy viết, dạy đọc cho các em. Thậm chí, giảng viên còn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về các hoạt động kiểm tra, đánh giá, đưa ra những đề minh họa để giáo viên có thể tương tác, đặt câu hỏi và tìm ra được những định hướng trong giảng dạy và trong kiểm tra, đánh giá”.
Với cô Lê Thị Thúy Hà - giáo viên Trường TH Xuân Lai (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thì khi mới tiếp xúc với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô rất lo lắng, băn khoăn, trăn trở làm thế nào để thực hiện được đúng các yêu cầu của Chương trình.
“Tuy nhiên, sau khi được trực tiếp tham gia các lớp tập huấn mà giảng viên lại chính là những thầy cô, những giáo sư, tiến sĩ - những người đã trực tiếp hoặc tham gia viết sách nên hiểu rất rõ về chương trình và tinh thần của các bộ sách.
Vì vậy, các buổi tập huấn đã giải tỏa, giải quyết cho chúng tôi những băn khoăn, trăn trở về cấu trúc bài dạy, về phương pháp dạy của từng tiết, từng môn, cách chia thời lượng tiết học như thế nào...
Ngoài ra, tham gia các buổi tập huấn trực tiếp, chúng tôi được gặp gỡ các đồng nghiệp trong tỉnh, có cơ hội để giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm tổ chức dạy học”.
Trong quá trình giảng dạy trực tiếp, nếu gặp vấn đề gì khúc mắc hoặc băn khoăn về nội dung trong sách, các thầy cô giáo vẫn có thể liên hệ với các tổng chủ biên, chủ biên… của sách để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể.hi đã nắm vững các yêu cầu của chương trình, cách thức triển khai, tổ chức các bài học, tiết học, các thầy cô sẽ tự tin và chủ động tổ chức, sáng tạo những tiết học theo cách riêng của mình mà vẫn đảm bảo được nội dung kiến thức trong bài học.