Tập huấn tuyên truyền về chiến lược phát triển thương mại trong nước và quyền con người ở Việt Nam

Ngày 13/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam trên hệ thống thông tin cơ sở năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng; cùng đội ngũ những người làm công tác thông tin cơ sở thuộc Phòng Văn hóa Thông tin cấp huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao cấp huyện và Đài Truyền thanh cấp xã của tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thông tin cơ sở vẫn là một trong những kênh thông tin, tuyên truyền không thể thiếu, có nhiều lợi thế ở cơ sở, vẫn đang hàng ngày, hàng giờ cung cấp một lượng thông tin rất lớn, thiết thực cho nhân dân. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, sáng tạo của người làm công tác thông tin cơ sở trong thời gian qua…

Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và phát huy hơn nữa vai trò của người làm công tác thông tin cơ sở, với nhiều chuyên đề bám sát thực tiễn, do các chuyên gia, báo cáo viên giàu kinh nghiệm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương); Ban Chỉ đạo nhân quyền quốc gia/Cục đối ngoại (Bộ Công an) truyền đạt.

Cụ thể là nội dung thông tin tuyên truyền về Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam và Chuyên đề hướng dẫn kỹ năng biên tập, sản xuất tin, bài phục vụ cho công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Đồng chí Ngô Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Ngô Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021, với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, việc tổ chức thông tin, tuyên truyền thực hiện chiến lược thương mại trong nước hướng đến mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Thông qua việc lựa chọn các phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, vùng miền góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của hoạt động thương mại trong nước nói chung và thúc đẩy các hoạt động phát triển thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 với 3 quan điểm chính.

Theo đó, hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chấp hành; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành.

Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: Phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam.

Hội nghị đã hoàn thành tốt đẹp với các nội dung chương trình đề ra. Các học viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghe giảng để vận dụng vào thực tiễn, phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương, đơn vị.

Ban tổ chức lớp học bám sát chương trình, quản lý, hướng dẫn và đôn đốc học viên tham gia học tập nghiêm túc, đầy đủ; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ Hội nghị.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/tap-huan-tuyen-truyen-ve-chien-luoc-phat-trien-thuong-mai-trong-nuoc-va-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-1ec2bb7/