Tập kết ra Bắc, rồi ở lại với Hải Dương

Tập kết ra Bắc không chỉ là hành trình rời xa quê hương, mà còn là hành trình vì Tổ quốc. Có những người như ông Nguyễn Minh lặng lẽ gắn đời mình vào vùng đất mới.

Ông Nguyễn Minh, người cán bộ lão thành 95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng quê Phú Yên, hiện sống ở phường Bến Tắm (TP Chí Linh)

Ông Nguyễn Minh, người cán bộ lão thành 95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng quê Phú Yên, hiện sống ở phường Bến Tắm (TP Chí Linh)

Từ chuyến tàu cuối cùng đến những ngày ở Xưởng tàu Hải Phòng

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, rất nhiều người con miền Nam đã tập kết ra Bắc, mang theo lý tưởng cách mạng, niềm tin vào ngày thống nhất non sông. Có người trở về sau ngày giải phóng, có người hy sinh và cũng có người ở lại. Câu chuyện của ông Nguyễn Minh, cán bộ lão thành 95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng quê Phú Yên, hiện sống ở TP Chí Linh (Hải Dương) là như thế.

Câu chuyện đời ông như thước phim đen trắng chậm rãi, lặng lẽ nhưng xúc động.

Ông Nguyễn Minh (sinh năm 1930) tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Ông Nguyễn Minh (sinh năm 1930) tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Sinh năm 1930 tại xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Minh đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1955, khi đang là Bí thư chi bộ hoạt động bí mật tại quê nhà thì ông bị lộ, Huyện ủy quyết định đưa ông ra Bắc tập kết. Ông lên chuyến tàu cuối cùng từ Quy Nhơn (Bình Định), con tàu mang theo cả cán bộ và nhân dân, chẳng ai biết điểm đến là đâu, chỉ biết rằng tương lai phía trước gắn liền với hai chữ "Tổ quốc".

“Lúc đó chỉ biết phải đi, đi để giữ mình, để giữ lấy cơ hội đấu tranh tiếp. Cảnh chết chóc ở quê ám ảnh lắm. Vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh tang thương lắm”, ông Minh nhớ lại.

Tàu đưa ông đến Hải Phòng, rồi trung ương tập hợp cán bộ về Đình Bảng (Bắc Ninh) dự lớp huấn luyện ngắn ngày. Từ đó, ông lần lượt được điều đi Sơn La, Thái Nguyên rồi về công tác tại Hải Phòng từ tháng 7/1956.

Ông Minh từng có nhiều năm công tác tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng

Ông Minh từng có nhiều năm công tác tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng

Tại Hải Phòng, ông nhận nhiệm vụ tại Xưởng ráp tàu Liên Xô, tiền thân của Xưởng đóng tàu số 4 Hải Phòng. Từ vị trí cán bộ tổ chức nhân sự, ông tiếp tục tham gia xây dựng Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy nhà máy, là báo cáo viên Thành ủy Hải Phòng.

Mối duyên giữa nông trường và nghĩa tình sâu đậm với Hải Dương

Trước khi tập kết ra Bắc, ông đã có vợ và hai con ở quê. Người con trai cả là anh Nguyễn Xuân Cảnh cũng tập kết ra Bắc vào năm 1960 để theo học tại trường học sinh miền Nam ở Đông Triều (Quảng Ninh). Sau này, khi biết mẹ ở quê đi bước nữa, anh Cảnh đã nhắn ba rằng: “Ba cứ lấy vợ đi, má ở nhà lấy chồng, có con rồi”.

Năm 1972, khi ông sơ tán lên vùng Văn Đức, rồi qua nông trường Chí Linh thì gặp bà Vũ Thị Thanh Mai (quê ở Nam Định), một y tá góa chồng, đang nuôi ba người con. Duyên gặp gỡ như sợi chỉ đỏ lặng lẽ mà bền chặt, kết nối hai mảnh đời nhiều tổn thương với nhau.

Ông Minh kết hôn với bà Mai chỉ 3 tháng trước ngày đất nước thống nhất

Ông Minh kết hôn với bà Mai chỉ 3 tháng trước ngày đất nước thống nhất

Đầu năm 1975, chỉ 3 tháng trước ngày đất nước thống nhất, ông Minh và bà Mai tổ chức đám cưới giản dị tại thị trấn nông trường Chí Linh.

Sau hôn lễ, năm 1976, ông bà sinh thêm một người con chung là chị Nguyễn Thị Vân Anh. “Các con, các cháu tôi thương nhau như anh em ruột thịt, mừng lắm chứ”, ông Minh nói nói.

Dù đã chọn Hải Dương làm nơi an cư lạc nghiệp, ông Minh vẫn không quên quê hương Phú Yên nắng gió. Sau khi kết hôn cùng bà Mai, trong những năm còn khỏe, ông thường xuyên trở về thăm quê cũ, thăm người thân, anh em, bạn bè và cả mảnh đất đã in hằn dấu chân ông suốt bao năm hoạt động cách mạng.

Các con, các cháu của ông Minh thường xuyên tụ họp, chúc mừng ông mỗi dịp sinh nhật

Các con, các cháu của ông Minh thường xuyên tụ họp, chúc mừng ông mỗi dịp sinh nhật

Và các con của ông, dù sinh ra ở những miền khác nhau, mang những giọng nói riêng nhưng đều luôn xem ông là điểm tựa tinh thần. Họ thường xuyên sắp xếp về Hải Dương thăm bố, mỗi dịp lễ, Tết hay sinh nhật đều quây quần ấm cúng.

Năm 1991, ông Minh nghỉ hưu. Sau đó, ông vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương, là đảng viên gương mẫu trong các hoạt động phong trào, đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục thế hệ trẻ và giữ mối liên hệ bền chặt với tổ chức Đảng nơi cư trú.

Ông Minh được cán bộ TP Chí Linh trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng năm 2025

Ông Minh được cán bộ TP Chí Linh trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng năm 2025

Bà Mai, người bạn đời, người đồng chí của ông đột ngột qua đời năm 2018. Dù nỗi mất mát quá lớn, ông vẫn tiếp tục sống với tinh thần lạc quan.

Ở tuổi 95, ông vẫn minh mẫn, theo dõi thời sự và cập nhật tin tức trên báo hằng ngày mà không cần dùng kính, có sự kiện gì quan trọng ông lại ghi chép vào sổ tay.

Nhiều bạn bè, hàng xóm thường xuyên đến nhà hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện với ông Minh

Nhiều bạn bè, hàng xóm thường xuyên đến nhà hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện với ông Minh

Trên tường nhà ông Minh có nhiều tấm ảnh của gia đình, bằng khen, Huy hiệu Đảng. Trò chuyện với phóng viên, ông lật giở từng bức ảnh, giới thiệu về những người con, người cháu của mình, có người là thạc sĩ, tiến sĩ, giáo viên, giảng viên đại học.

Lật giở từng bức ảnh, ông Minh giới thiệu đầy tự hào về những người con, người cháu của mình

Lật giở từng bức ảnh, ông Minh giới thiệu đầy tự hào về những người con, người cháu của mình

Phong trào tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ là bước chuẩn bị chiến lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã rời miền Nam để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho một ngày non sông liền dải. Nhưng bên cạnh mục tiêu cách mạng, phong trào này còn đọng lại những câu chuyện cảm động về sự gắn bó giữa người Nam và đất Bắc, như chính duyên phận giữa ông Minh và bà Mai.

Giờ đây, câu chuyện của ông như lời nhắc nhở sâu sắc: Tổ quốc không chỉ là một địa danh, mà là nơi trái tim mình thuộc về.

LINH LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tap-ket-ra-bac-roi-o-lai-voi-hai-duong-409757.html