Tấp nập chợ mua bán 'chất xám' online
'Chuyên viết luận văn các ngành KHXH&NV giá tốt, uy tín'; 'Cần gấp tiểu luận maketting trong 48 giờ'; 'Làm gấp 3 slide trong 3 giờ, thù lao nét'... Đây chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm lời rao trên nhiều group trên mạng xã hội mà chúng tôi lướt trong một thời gian ngắn. Có thể nói, chưa bao giờ việc mua bán cái gọi là 'chất xám' lại dễ dàng, tiện lợi như thời 4.0 này...
Sôi động “chợ” kiến thức
Với vai là một sinh viên đại học, tôi tham gia nhóm kín "Nhận làm bài thuê..." với hơn 54 ngàn thành viên. Chỉ kéo xuống một đoạn, tôi đã thấy rất nhiều đơn hàng với đủ những yêu cầu thập cẩm, song chung quy lại đều cần đến chất xám. Đơn cử như: "Cần làm slide môn kinh tế lượng"; "Cần làm ppt (powerpoint) môn kinh tế vĩ mô xong trước 17 giờ ngày mai"; "Cần làm phao thi môn triết học"; "Cần người thi trắc nghiệm online vào lúc 9 giờ sáng mai"... Sau mỗi một order (đơn hàng) là hàng chục comment nhận đơn chỉ sau vài giây.
Tại nhóm "Hỗ trợ làm tiểu luận" với hơn 33 ngàn thành viên, đơn hàng cũng vô cùng tấp nập. Như tên của nhóm, các yêu cầu đều tập trung vào chủ đề làm tiểu luận. Nào là: "Cần tìm người làm tiểu luận môn luật dân sự"; "Cần làm tiểu luận toán học bằng Latex"; "Cần người viết tiểu luận môn tâm lý học đại cương"... Nói chung, các đề tài, các thể loại trên trời dưới bể đều có người nhận làm.
Có thể thấy chưa bao giờ các "chợ" mua bán chất xám hoạt động trên mạng xã hội lại xôm tụ, tấp nập như thời điểm này. Dường như được cổ vũ bởi cú "hích" từ sau đại dịch COVID-19, nhiều sinh viên, học viên học online và thường "trả bài" thầy bằng tiểu luận thay cho thi viết. Từ đó đến nay những "đơn hàng" tăng một cách đột biến. Giá cả cũng rất phải chăng, thuận mua vừa bán.
Với nhu cầu cần phải làm gấp tiểu luận môn Triết học đại cương, tôi inbox (nhắn tin riêng) cho nickname Hoang Oanh trên "chợ" thì được cô ra giá 2 triệu đồng cho một bài tiểu luận dài cỡ 30 trang A4. Còn với yêu cầu làm gấp một bài thuyết trình cho môn học Báo chí gồm 40 slide trên phần mềm PowerPoint, giá sẽ là 20 ngàn đồng/slide. Nếu đồng ý, khách sẽ chuyển khoản trước 20-50% số tiền. Sau khi nhận bản word hoặc ppt thì chuyển khoản trả nốt.
Cá biệt có những trường hợp do đã cộng tác lâu năm, uy tín thì khách thường trả đủ 100% thù lao. Còn người viết thuê hứa "tác phẩm" sẽ phải đạt điểm khá (8) trở lên.
Thu Giang, học viên cao học Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, từ khi tìm ra được chợ kiến thức trên mạng đã khiến việc đi học của cô "dễ thở" hơn rất nhiều. Bởi hiện tại cô vừa phải hoàn thành tốt công việc trên cơ quan, lại còn phải chăm đàn con 3 đứa và bố mẹ già nay ốm mai đau. Chồng cô thì đi công tác biền biệt, không đỡ đần được mấy. Lẽ ra Giang cũng chẳng muốn đi học làm gì, song ở vị trí của cô mà không có cái bằng tiến sĩ, ít nhất cũng phải thạc sĩ thì dễ bị điều chuyển vị trí công tác. Được gia đình động viên, Giang thuê thêm một cô giúp việc để chuyên dọn dẹp cơm nước, còn mình thì tập trung vào việc làm và học.
Bậc cao học thường phải làm bài tập nhóm, làm slide bình luận/phân tích vấn đề của môn học, cuối kỳ thì phải làm các bài tiểu luận, thậm chí làm "phao" để lúc thi còn có cái mà chép. Gần như tất cả những việc trên Giang và các bạn cùng nhóm đều lên mạng để thuê. Chỉ cần bỏ ra một vài triệu đồng là họ sẽ có những sản phẩm để nộp cho thầy, cô. Không phải mất nhiều thời gian, công sức cày ngày cày đêm nữa.
Tương tự Giang, Hoàng Minh - học viên cao học - đang nhăm nhe cái ghế trưởng phòng tại một sở nọ. Cũng chính vì thế mà phải cố lấy bằng được cái bằng thạc sĩ luật. Đây là một trong những tấm bằng khó với, bởi đề tài khá hẹp và phải bỏ nhiều công sức để "tư duy". Với các bài tiểu luận, bài tập nhóm thì Minh lên mạng đặt làm. Còn luận văn tốt nghiệp, Minh phải đặt vấn đề với một giảng viên luật để làm giúp. Khi lên hội đồng, anh ta chỉ việc bảo vệ.
Có cầu ắt có cung, những hội nhóm chuyên làm thuê các sản phẩm chất xám từ bậc THPT cho đến đại học, cao học, thậm chí nghiên cứu sinh được mở nhiều như nấm sau mưa. Nó thậm chí còn trở thành nghề chính của một số con mọt chữ nghĩa. Có người còn làm giàu được bằng nghề bán kiến thức. ?
Một vốn, bốn lời
Với năng lực, kiến thức của mình, lẽ ra Phạm Hậu (cựu sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học KHXH&NV) phải có học vị đến tiến sĩ, chứ không chỉ dừng lại ở bậc cử nhân. Vì tuy không phải là giảng viên ở bất kỳ trường đại học nào, song Hậu có thể tự hào rằng mình đã "ấp" được hàng chục thạc sĩ và tiến sĩ, còn số lượng cử nhân thì... không đếm xuể. Nhiều năm qua, anh này là địa chỉ uy tín của không ít sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn thuê viết luận văn cử nhân, cao học.
Cái "duyên" đến với nghề này cũng khá là tình cờ. Thời sinh viên, do đói kém nên Hậu phải đi làm thuê tại một hiệu photocopy gần cổng trường ngay từ năm thứ nhất. Thường các sinh viên trước khi nộp tiểu luận, khóa luận đều qua cửa hàng của Hậu để chỉnh sửa, in ấn. Sau nhiều năm thì trong máy tính của cửa hàng đã có hàng trăm, hàng ngàn bài tiểu luận, khóa luận, luận văn cử nhân, thạc sĩ các thể loại.
Vốn là con mọt sách, những lúc rỗi rãi, không có khách, Hậu mở một vài tiểu luận, khóa luận ra đọc. Và ngứa tay chỉnh sửa lại cho hay, cập nhật thêm kiến thức, số liệu... Sau khi tốt nghiệp bậc cử nhân, Hậu được tuyển thẳng lên bậc thạc sĩ với tấm bằng loại giỏi. Tuy nhiên, sự nghiệp học hành của anh ta bị đứt gánh giữa đường, do bố mẹ bị TNGT. Hậu phải nghỉ học để đi làm, nuôi 3 đứa em đều đang học THPT và đại học.
Buổi đầu làm nghề viết thuê, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà Hậu nhận làm giúp một số người em, bạn bè do bận bịu mà không có thời gian để làm tiểu luận một số môn học. Sau đó, do uy tín mà "đơn hàng" cứ về ầm ầm. Tháng nào Hậu cũng phải làm hàng chục tiểu luận các loại, rồi chỉnh sửa cả một số luận văn cao học cho các học viên trong và ngoài trường. Việc nhiều đến nỗi Hậu nghỉ luôn công việc tại công ty, ở nhà chỉ chuyên bán "chất xám". Thu nhập của Hậu mỗi tháng lên đến vài chục triệu đồng, dư tiền cho các em học.
Nếu như Hậu chỉ vì tình cờ mà tham gia vào “chợ” mua bán kiến thức thì Hằng lại chủ động với công việc này. Là giáo viên môn Lịch sử tại một trường THCS, Hằng nhận thấy thu nhập không đủ để nuôi được bản thân và gia đình. Hằng đã cùng một số bạn bè "cùng chí hướng" lập ra một nhóm chuyên làm thuê các sản phẩm như thế cho sinh viên, học viên cao học. Điển hình như các bài tập nhóm, bài tập lớn, các loại tiểu luận, phân tích số liệu theo spss, thậm chí cả viết luận văn... Hằng cho biết sau khi đặt hàng và nhận tiền "cọc" thì sẽ phân người để viết. Khi hoàn thành sẽ quay lại video sản phẩm, gửi cho khách hàng kiểm định. Khi nào thấy ok thì sẽ chuyển nốt tiền và nhận sản phẩm qua email hoặc Google drive.
Còn Long vốn là nhân viên tại một công ty truyền thông nọ khoe thời gian này anh có thêm một nguồn thu nhập mới, còn cao hơn cả lương ở cơ quan.
Vợ anh đang theo học thạc sĩ tại một trường đại học. Do vợ bận công việc trên công ty và chăm con cái, thỉnh thoảng Long được nhờ làm hộ một số tiểu luận, cũng như slide để thuyết trình trên lớp. Không ngờ đạt chất lượng tốt, nên nhiều học viên trong lớp thông qua vợ Long xin số điện thoại của anh để thuê làm. Nhẩm tính mỗi tiểu luận viết khoảng 1-3 ngày có ngay 3 triệu đồng. Còn bản thuyết trình khoảng 40 slide anh sẽ nhận được 1 triệu đồng, mà chỉ làm trong khoảng 30 phút đến 1 giờ là xong. Long vẫn thắc mắc: "Không biết đám học viên lười làm hay thừa tiền mà mấy cái bài ppt dễ như ăn cháo cũng phải đi thuê".
Về nguyên nhân của sự nở rộ các dịch vụ mua bán chất xám hiện nay, dường như một bộ phận sinh viên hiện nay khá lười biếng. Thay vì bỏ trí tuệ, công sức ra để nghiền ngẫm bài giảng cũng như viết thành những sản phẩm thì họ lại đi thuê. Có sinh viên biện hộ do bận làm thêm tối mắt tối mũi nên không có thời gian. Sinh viên khác thì lại bảo mất chút tiền mà đỡ được bao nhiêu công sức, tội gì không thuê.
Còn với các học viên bậc cao học thì lý do thường thấy là bận viện cơ quan, túi tiền cũng khá rủng rỉnh. Mà thường các môn bậc cao học, thầy cô sẽ yêu cầu làm tiểu luận hoặc bài tập nhóm. Mỗi nhóm thường có 3-10 học viên. Họ sẽ thuê làm, sau đó tính toán chia kinh phí đầu người. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian, lại khá kinh tế khi mỗi người chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ.
Và… bóc phốt nhau
Cũng qua tình hiểu chúng tôi nhận thấy, mảng kinh doanh kiến thức này phát triển đến mức hàng loạt các website chuyên làm thuê, viết thuê các loại tiểu luận, luận văn, luận án, bài thuyết trình... được xây dựng và quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet. Họ cũng cho chạy quảng cáo trên các mạng xã hội hay trang tìm kiếm.
Theo một "ông trùm" chuyên bán chất xám trên mạng tên Hùng thì thậm chí anh còn biết được một vài trường hợp cá biệt từ người viết thuê luận văn còn trở thành lãnh đạo của một cơ quan nọ. Số là anh Hoàng P. vốn là giảng viên của một trường đại học. Lương thấp không đủ ăn, anh xin sang làm chuyên viên cho một sở. Sau khi về cơ quan này thì đúng lúc sếp đang học thạc sĩ luật. Thế là P. được sếp nhờ làm giúp luận văn cao học. Luận văn được điểm giỏi, sếp liền học lên bậc cao hơn. Và, P. tiếp tục được tạo điều kiện về thời gian, kinh phí làm ra luận án để sếp bảo vệ. Cũng trong quá trình đó, P. được sếp nâng từ chuyên viên lên phó phòng, trưởng phòng rồi lên tới bậc phó giám đốc.
Dù vậy, trên các hội nhóm chuyên mua bán kiến thức này cũng lắm vụ "bóc phốt" nhau. Thường là có những học viên thuê làm tiểu luận, đã chuyển đủ tiền rồi song sản phẩm nhận lại chất lượng quá thấp, bị giảng viên chấm điểm trung bình. Khi liên hệ với người làm thuê để phàn nàn, đòi lại tiền thì đã bị block (chặn tài khoản). Cũng có nhiều trường hợp người được thuê cam kết nếu tiểu luận bị "fail" (lỗi, không sử dụng được) thì sẽ làm lại cho đến lúc "pass" (đạt) thì thôi. Nhưng, sau đó lại vòi thêm tiền và nếu vẫn fail thì đánh bài chuồn.
Song, cay đắng nhất phải kể đến H. Vinh (học viên cao học trường HVNH). Bỏ cả trăm triệu đồng để thuê người làm luận văn cao học, song anh ta lại không chịu nghiên cứu, nghiền ngẫm mà chỉ đọc qua loa. Ra đến hội đồng bảo vệ bị các thầy phản biện cho te tua và bị đánh trượt. Vừa mất tiền, mất điểm trong mắt thầy cô, lại xấu hổ trước bạn bè, Vinh bỏ luôn. Coi như bao nhiêu thời gian, công sức học thạc sĩ đổ sông đổ biển...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/tap-nap-cho-mua-ban-chat-xam-online-i678701/