Tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tiền Phong dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung tại miền đất võ
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm xuất bản số đầu tiên (1953 - 2023), báo Tiền Phong thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Từ sáng sớm 18/11, cán bộ, phóng viên và nhân viên báo Tiền Phong đã có mặt tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tham gia chương trình có nguyên Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong các thời kỳ; Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn và các Phó Tổng biên tập: Vũ Tiến, Lê Minh Toản và Phùng Công Sưởng; cùng cán bộ, phóng viên và nhân viên, cộng tác viên báo Tiền Phong trên toàn quốc.
Tại đây, cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Tiền Phong đã dâng hương, dâng hoa tại tượng đài vua Quang Trung và dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt.
Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nguyên là nền nhà cũ, nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được sinh ra. Thời nhà Nguyễn, nền cũ được cải tạo thành đình làng Kiên Mỹ để thờ cúng bí mật những vị anh hùng áo vải cờ đào. Những người dân nơi đây kể rằng, suốt những năm tháng đó, ai đi qua ngôi đình cũng kính cẩn gỡ nón cúi đầu.
Người xưa có câu: "Dân chẳng thờ sai ai bao giờ". Điều này tuyệt đối đúng với ba anh em nhà Tây Sơn, biểu tượng của sức mạnh nhân dân, tinh thần quật khởi chống cường bạo và chống ngoại xâm, giữ vững nền độc lập dân tộc. Những anh hùng áo vải lấy cái dũng để đem lại sự bình yên, cái trí để thắng ngoại bang và dùng nhân để trị nước.
Tới năm 1958, vì đình bị thực dân Pháp phá hủy, Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt được dựng lên nơi nền cũ, trở thành không gian tâm linh để nhân dân được bày tỏ lòng kính ngưỡng công lao của nhà Tây Sơn cũng như vua Quang Trung. Căn giữa điện thờ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, hai bên thờ vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc và Đông Định Vương Nguyễn Lữ.
Tiếp đến là các án thờ những danh thần võ tướng thời Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Võ Văn Dũng. Ngoài ra còn bày các loại vũ khí được nhân dân ca tụng là "thập thần vũ khí" với những đặc điểm và công năng khác thường từng khiến kẻ địch khiếp sợ.
Ngày nay, Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử liên quan đến nhà Tây Sơn, từ lúc khởi phát vào năm 1771, đánh đổ nhà Nguyễn ở Đàng Trong, phế bỏ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân Xiêm, đại phá quân Thanh và thống nhất giang sơn, tới khi vua Quang Trung mất (1792), nhà Tây Sơn sụp đổ (1802).
Bảo tàng Quang Trung không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là không gian văn hóa, cung cấp cái nhìn tổng thể về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, bao gồm cả văn hóa Tây Nguyên, lực lượng đã tham gia phong trào Tây Sơn trong giai đoạn tụ nghĩa.
Bảo tàng được thiết kế với 10 gian trưng bày, hệ thống xuyên suốt lịch sử nhà Tây Sơn. Các du khách sẽ hiểu được bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII ở phòng 1 thông qua 45 hiện vật trước khi xem 26 tài liệu, hiện vật liên quan đến quê hương và gia tộc ba anh em nhà Tây Sơn ở phòng 2.
Tiếp đến là phòng 3 - Tây Sơn tụ nghĩa, phòng 4 - Phá thế bao vây, giai đoạn quân Tây Sơn cùng lúc đối đầu hai thế lực Trịnh - Nguyễn. Sau đó, tiếp tục thán phục với tài năng chiến trận của Nguyễn Huệ khi bước sang phòng 5 - Lật đổ chúa Nguyễn và phòng 6 - Tái hiện trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút.
Đây có thể nói là giai đoạn thăng hoa của nhà Tây Sơn cũng như tài năng quân sự kiệt xuất của Nguyễn Huệ. Phòng 7 - Lật đổ Chúa Trịnh, phòng 8 - Đại phá quân Thanh cho thấy điều đó một cách sống động qua các hiện vật còn lưu giữ được.
Đến khi qua phòng 9 - Triều đại Quang Trung với các hiện vật thể hiện các chính sách cấp tiến để xây dựng đất nước, và phòng 10 - Nguyễn Huệ - Quang Trung mãi mãi trong lòng dân tộc, tất cả sẽ không khỏi ngưỡng mộ và tiếc nuối cho một thời đại rực rỡ, với đầy các chiến công hiển hách nhưng ngắn ngủi. Sau đó tự nhủ, thế hệ chúng ta phải tiếp tục rèn luyện, xây dựng đất nước để không thẹn với tiền nhân.