'Tập thể dục tại công viên' đáng giá bao nhiêu?
Tự tập thể dục nơi công viên trong mùa dịch COVID-19 thì tốn bao nhiêu tiền? 4 triệu đồng là 'giá' mà một thanh niên mới đây đã phải trả.
Cuối ngày 10/7, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 1.320 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới. Như vậy trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã có tổng cộng 11.615 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Cũng trong ngày 10/7, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê ban đầu, có khoảng 80% người mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng trong số này sẽ có 5% chuyển sang tình trạng nặng và có 30% (trong số 5% này) chuyển sang tình trạng rất nặng.
Các bản tin này cùng liên quan tới tình hình COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh – địa phương đang có những diễn biến rất căng thẳng về dịch bệnh hiện nay, khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng từng ngày, và những ngày gần đây đã vượt con số 1.000 ca. Xâu chuỗi các bản tin, thì thông điệp rất rõ ràng: “Làn sóng” dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm với khả năng lây lan mạnh, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người và sự bình yên của xã hội.
Ấy vậy mà cũng trong ngày 10/7, mạng xã hội “nóng” lên với clip một nam thanh niên không đeo khẩu trang, thản nhiên thi triển các động tác thể dục tại Công viên Cao Đức Lân (An Phú, TP.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Thanh niên này đã phải nhận những lời chê trách vì thiếu ý thức, đồng thời bị lực lượng chức năng phạt 4 triệu đồng về 2 lỗi: không đeo khẩu trang và ra đường khi không thật sự cần thiết theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP trong lĩnh vực y tế.
Nam thanh niên trên là một trong số các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch, bị các lực lượng chức năng tại TP Hồ Chí Minh xử lý. Đến 12 giờ trưa 10/7, sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, các chốt kiểm soát của TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã kiểm tra 51.890 lượt phương tiện với số người được kiểm tra là 33.624 người. Kết quả: Có 203 trường hợp bị lập biên bản về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu... “Trên 200 trường hợp trong 2 ngày” là con số không nhỏ, và chứa đựng những nguy cơ to lớn đối với công cuộc chiến đấu với dịch bệnh đang hết sức cam go hiện nay.
Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi cả nước và đặc biệt là ngành y tế, chính quyền và các lực lượng chức năng tại TP Hồ Chí Minh đang hết sức vất vả trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, thực hiện khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn sự lan của virus SARS-CoV-2, thì hành vi không tuân thủ các quy định phòng dịch như trên là không thể chấp nhận được. Nhiều người bệnh đang hàng ngày vật lộn với các biểu hiện lâm sàng nguy hiểm do virus gây nên; hàng chục nghìn “F” đang phải tập trung trong các khu cách ly; hàng triệu gia đình khó khăn, các hộ kinh doanh… đang khốn đốn vì sản xuất kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh…, những vất vả đó có khả năng sẽ phải kéo dài, khi vẫn còn những con người vô ý thức ngoài xã hội. Chính vì vậy, mức phạt 4 triệu đồng đối với thanh niên không đeo khẩu trang, tập thể dục ở công viên giữa cao điểm của dịch bệnh, được cộng đồng ủng hộ (thậm chí có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tăng kịch khung hình phạt).
Dịch bệnh diễn biến phức tạp không chỉ khiến sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, mà lối sống, sinh hoạt của mỗi người dân cũng bị thay đổi. Đây là giai đoạn khó khăn đối với mỗi cá nhân, khi những nhu cầu chính đáng, đồng thời là thói quen hàng ngày như tập thể thao, gặp gỡ hàn huyên bè bạn, du lịch, ăn uống, chăm sóc sắc đẹp… bị tiết chế. Đây cũng là giai đoạn thực sự thử thách đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ kinh doanh nhỏ, khi sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Tuy nhiên, không chỉ khi có các quy định và sự giám sát của cơ quan chức năng, mà mỗi cá nhân mới tuân thủ quy định phòng dịch. Sự tuân thủ đó phải đến từ nhận thức của mỗi người về trách nhiêm của bản thân trong hoàn cảnh đất nước đang đối mặt với khó khăn do dịch bệnh đem lại.
Tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: "Chính phủ kêu gọi sự cảm thông và ủng hộ của nhân dân nếu phải áp dụng các biện pháp khoanh vùng, giãn cách, phong tỏa, cách ly trên diện rộng để xử lý triệt để sự lây lan của dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của đất nước". Lời kêu gọi này của người đứng đầu Chính phủ đi cùng với các giải pháp: Trong trường hợp TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác phải thực hiện phong tỏa, giãn cách, cách ly trên diện rộng, thì các bộ: Y tế, Công Thương, GTVT và bộ, ngành có liên quan có kịch bản cụ thể để xử lý các vấn đề, như phân luồng giao thông, lưu thông hàng hóa, cung ứng vật tư và nhu yếu phẩm, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân... Thủ tướng cũng yêu cầu không được làm xáo trộn lớn đến đến cuộc sống của người dân.
Tất nhiên, trong tình huống số ca lây nhiễm tăng nhanh khi mà nhân lực và vật lực chưa thể ngay lập tức đáp ứng, thì có nơi, có lúc… các nhu cầu của từng bộ phận người dân có thể bị ảnh hưởng. Nhưng, trong điều kiện khó khăn chung, khi chính quyền các cấp, toàn thể ngành y tế và các lực lượng chức năng đang làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, thì lúc này, điều cần thiết đối với mỗi cá nhân không gì khác là đồng lòng tuân thủ và tin tưởng. Vũ khí này đã từng tạo nên sức mạnh chiến thắng trên quy mô toàn quốc trong những đợt dịch trước. Tin tưởng rằng, khi mỗi người nâng cao ý thức thì những khó khăn, bất tiện nhất thời sẽ có thể khắc phục, góp phần chiến thắng dịch bệnh, nhanh chóng cùng thành phố và đất nước ổn định đời sống sản xuất, kinh doanh.
Khi đó, tập thể dục tại công viên, hay những sinh hoạt đời thường khác, sẽ lại trở lại trong một trạng thái “bình thường mới”.