Tập thể Kim Liên: 'Bức tranh cũ' đang chờ những nét vẽ mới

Khu tập thể Kim Liên, một trong những khu nhà tập thể lâu đời của Hà Nội, hiện đang đối diện với quá trình cải tạo đầy kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức. Được xây dựng từ những năm 1960, khu Kim Liên là biểu tượng của một thời kỳ phát triển đô thị trong quá khứ.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, tình trạng xuống cấp của các công trình đã trở thành vấn đề cần phải giải quyết. Dự án cải tạo khu tập thể Kim Liên lần này được kỳ vọng sẽ không chỉ nâng cao chất lượng sống cho cư dân mà còn góp phần làm mới diện mạo của Thủ đô.

Sân chơi hiếm hoi giữa nhà C5 và C6 khu tập thể Kim Liên. Ảnh: Hà Anh

Sân chơi hiếm hoi giữa nhà C5 và C6 khu tập thể Kim Liên. Ảnh: Hà Anh

Kim Liên một thuở

Trong số rất nhiều khu nhà tập thể ở Hà Nội, chỉ có chưa đến chục khu là các khu tập thể cao tầng, được xây dựng trên những khuôn viên đất khá vuông vắn. Tiêu biểu là các khu: Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Khương Thượng và Thanh Xuân. Trong đó, khu tập thể Kim Liên là khu duy nhất được gọi là “khu tập thể cao tầng cao cấp”, do chính phủ Bắc Triều Tiên giúp Việt Nam xây dựng từ năm 1959 và bắt đầu đón cư dân vào ở từ đầu năm 1962. Sở dĩ được coi là “cao cấp” bởi vào thời điểm đó, chỉ những cán bộ có mức lương từ 100 đồng trở lên, hoặc trưởng, phó quản đốc phân xưởng của một số nhà máy đặc biệt, mới được phân nhà tại đây.

Cấu trúc nhà bốn tầng ở khu tập thể Kim Liên được xây dựng rất chắc chắn. Sau hơn sáu mươi năm, nền móng, sàn và tường hầu như không bị hư hại. Khi xây dựng, khoảng cách giữa các tòa nhà tuân thủ đúng theo quy định về “bóng nắng”, tạo nên những khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng. Năm 1962, khi gia đình tôi được chuyển đến đây, cảm giác sung sướng thật khó diễn tả. Chúng tôi được ở trong những căn phòng vững chãi, rộng khoảng hai mươi mét vuông, chỉ hai gia đình dùng chung một công trình phụ. Sàn nhà được lát gạch men, điện nước đầy đủ - một sự thay đổi lớn so với căn nhà cũ trong phố. Khu tập thể Kim Liên dần trở nên khang trang khi các bãi cỏ được dọn sạch để làm sân chơi, những con đường được rải gạch vụn, và cây xanh được trồng trong hai mùa Tết trồng cây năm 1963 - 1964. Dù cuộc sống khi đó còn nhiều thiếu thốn, nhưng người dân nơi đây đã cùng nhau đoàn kết, xây dựng nếp sống mới, hình thành nên một nét đặc trưng riêng - “văn hóa Kim Liên”. Qua những năm tháng chiến tranh rồi đến thời kỳ kiến thiết đất nước, chúng tôi cùng cha mẹ cứ thế sống yên bình trong khu tập thể. Sau này, khi trưởng thành và lập gia đình, chúng tôi lại tiếp tục sống ở đây, trở thành thế hệ thứ hai của cư dân khu tập thể Kim Liên.

Thơi gian qua đi, những căn phòng rộng khoảng hai chục mét vuông từng đủ cho một gia đình nhỏ giờ dần trở nên chật chội khi thế hệ con cái chúng tôi ra đời. Bước vào thời kỳ Đổi mới, khi chế độ phân phối nhà ở chấm dứt, nhu cầu không gian sinh hoạt ngày càng lớn khiến các gia đình, đặc biệt là ở tầng một, bắt đầu cơi nới, xây dựng lấn ra cả hai mặt trước và sau. Các gia đình ở tầng trên, không có đất để mở rộng, bắt đầu làm lồng sắt, đua ra khoảng hơn một mét.

Từ những năm 1990, xuất hiện hiện tượng “nhảy dù”, khi một số gia đình ở tầng trên chiếm luôn phần sân chung phía dưới để mở rộng diện tích. Không ít gia đình trên các tầng cao tiếp tục cơi nới bằng những chuồng cọp kiên cố, đua ra khoảng không tới ba mét. Kể từ đó, hình ảnh các dãy nhà bốn tầng ở khu tập thể Kim Liên ngày càng trở nên lộn xộn, nhếch nhác theo thời gian.

Thêm vào đó, một thực trạng dễ nhận thấy là nhiều cư dân cũ của khu tập thể Kim Liên, khi có điều kiện kinh tế, đã mua nhà đất ở những nơi rộng rãi, tiện nghi hơn. Họ hoặc bán lại căn hộ cũ, hoặc giữ để cho thuê. Vì thế, cư dân hiện tại của khu tập thể Kim Liên có đến một nửa là người đến thuê nhà. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng không nhỏ đến “văn hóa Kim Liên”, nét văn hóa được xây dựng trên nền tảng đoàn kết, nhân ái, hàng xóm thân tình, sẵn sàng giúp nhau từ việc nhỏ đến việc lớn...

Nhà C8 khu tập thể Kim Liên. Ảnh: Hà Anh

Nhà C8 khu tập thể Kim Liên. Ảnh: Hà Anh

Kỳ vọng vào những giá trị mới

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi một số tòa nhà thuộc các khu tập thể như Giảng Võ và Thành Công bắt đầu xuất hiện hiện tượng rạn nứt, sụt lún, thành phố bắt đầu xem xét việc sửa chữa và cải tạo các khu tập thể cũ. Khu Kim Liên, lúc ấy đã có tuổi đời gần 40 năm, cũng được đưa vào danh sách quan tâm. Khi đó, cư dân khu Kim Liên vẫn chủ yếu là người ở lâu năm, cuộc sống ổn định, nhưng do điều kiện nhà ở chật chội nên phần lớn người dân đã đồng thuận khi Ban quản lý dự án quận Đống Đa giới thiệu dự án cải tạo và xây lại khu tập thể Kim Liên với những khối nhà cao tầng mới và vườn hoa xung quanh.

Hai tòa nhà cao 11 tầng - B7 và B10 - được xây dựng trên nền hai sân bóng mini sát phố Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, quá trình thi công kéo dài từ năm 2001 - 2005. Sau đó, dự án bị dừng lại. Tới năm 2008, Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng tiếp nhận và tiếp tục triển khai, nhưng đến năm 2012, sau khi phá dỡ và xây mới hai tòa nhà B4 và B14 cao 22 tầng (cũng nằm sát phố Phạm Ngọc Thạch), công việc lại tiếp tục bị gián đoạn.

Mới đây, khi thành phố Hà Nội đặt vấn đề cho phép xây dựng các khu chung cư tập thể cao 40 - 45 tầng, câu chuyện cải tạo và tái thiết các khu tập thể cũ một lần nữa được quan tâm. Quận Đống Đa hiện đang triển khai bước đầu tiên: Tổ chức hội nghị công khai để lấy ý kiến từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 về cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và khu vực phụ cận.

Phần lớn cư dân Kim Liên đồng tình với chủ trương của Nhà nước, vì tin rằng đề án này sẽ hài hòa được ba lợi ích: Nhà nước đạt mục tiêu chỉnh trang đô thị, xây dựng lại các khu nhà ở xuống cấp thành những khu đô thị hiện đại, góp phần làm đẹp diện mạo Thủ đô; người dân được hưởng điều kiện sống tốt hơn, ổn định hơn; nhà đầu tư có cơ hội thu lợi nhuận chính đáng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn từ phía người dân. Họ mong mỏi quá trình triển khai xây dựng cần được thực hiện một cách khoa học và hợp lý, nhằm tránh kéo dài thời gian phải đi thuê nhà tạm bợ. Hơn hết, họ kỳ vọng sẽ được tái định cư tại chỗ, bởi khu Kim Liên có vị trí đặc biệt - nằm giữa trung tâm thành phố, xung quanh đã có đầy đủ hệ thống hạ tầng thiết yếu như trường học các cấp, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và trung tâm thương mại.

Một vấn đề quan trọng khác là việc đền bù và tái định cư cần được tính toán hợp lý. Dù mỗi căn hộ hiện tại có diện tích sử dụng khoảng 30m2, nhưng trong sổ đỏ trước đây, cơ quan địa chính chỉ ghi diện tích lòng nhà dao động từ 17,5 - 22m2. Việc người dân phải trả thêm tiền cho phần chênh lệch diện tích giữa nhà cũ và nhà mới cần được tính theo giá xây dựng, bởi phần lớn cư dân hiện nay là cán bộ hưu trí, thu nhập hạn chế.

Dự thảo quy hoạch cũng khiến nhiều người dân lo ngại khi có phương án phân tách các tòa tái định cư cao 40 tầng ra một khu riêng, còn các khối nhà thương mại cao 45 tầng lại được bố trí tại những vị trí đẹp, có hai mặt phố lớn. Điều này làm dấy lên lo lắng về sự bất bình đẳng trong chất lượng công trình giữa các khối nhà.

Không ít người cũng băn khoăn liệu việc cho phép xây dựng các tòa nhà cao tới 40 - 45 tầng có thực sự đảm bảo an toàn, có phá vỡ quy hoạch về mật độ dân cư hay làm gia tăng ùn tắc giao thông trong khu vực vốn đã đông đúc. Bên cạnh đó, nhiều người không khỏi tiếc nuối khi xem bản đồ dự án và thấy rằng hàng trăm cây xanh, trong đó có nhiều cây xà cừ đã sống hơn 60 năm, sẽ bị chặt hạ để nhường chỗ cho công trình mới...

Nhìn chung, hầu hết người dân khu tập thể Kim Liên hiểu rằng đổi mới là cần thiết và ai cũng mong muốn được sống trong một môi trường khang trang, an toàn, hiện đại hơn. Nhưng sâu xa hơn họ kỳ vọng, quá trình cải tạo được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng và tôn trọng giá trị cộng đồng đã hình thành từ nhiều thế hệ. Sau bao năm chờ đợi, khu tập thể Kim Liên sẽ bước sang một trang mới, là nơi đáng sống, nhân văn hơn và bền vững hơn.

Vũ Công Chiến

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-the-kim-lien-buc-tranh-cu-dang-cho-nhung-net-ve-moi-702726.html