Tập thơ 'Biên cương bình yên' - những vần thơ ký thác gửi biên cương

Tập thơ 'Biên cương bình yên' ra đời nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3/3/1959 - 3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Tập thơ là những bài thơ viết theo thể thơ đường luật, mới sáng tác và được tuyển chọn, tập hợp từ đông đảo hội viên, thi sĩ Hội thơ Đường luật tỉnh. Tập thơ chủ yếu viết về đề tài Bộ đội biên phòng Cao Bằng cùng nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Đúng như tựa của tập thơ, “Biên cương bình yên” là tiếng nói, tâm tình của 122 tác giả góp bút với 204 bài thơ gửi gắm tình yêu với Cao Bằng, mảnh đất biên giới, phên dậu của Tổ quốc, vùng lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam thông qua hình tượng người lính biên phòng. “Yêu anh bộ đội giữ biên cương/Vì nước quên dân ấy lẽ thường/Sáng sớm vượt đèo canh mốc giới/Chiều tà xuống núi bám thao trường”… (Yêu anh bộ đội biên phòng - Hoàng Trung Phong).

Tập thơ không dài, chỉ hơn 200 trang. Tất cả các bài thơ trong tập thơ được viết theo thể thơ đường luật thất ngôn bát cú với một hệ thống quy tắc phức tạp, chặt chẽ về luật, niêm, vần, đối và bố cục. Nội dung tập thơ phong phú, đa dạng hợp thành một bức tranh nhiều màu sắc cho thi phẩm. Tuy không phân chia cụ thể, song có thể thấy tập thơ cơ bản chia làm 2 phần.

Phần thứ nhất: Khúc ca về Bộ đội Biên phòng Cao Bằng. Đó là tình cảm của nhân dân đối với người lính biên phòng. Trong tâm hồn mỗi người dân, tình yêu biên giới luôn là phần sâu sắc không gì có thể thay thế được. Mỗi dòng suối, ngọn núi ở đây, dù bé nhỏ đến đâu cũng là Tổ quốc, là tài sản vô giá ông cha ta để lại. Cùng với nhân dân, người lính dù là trong thời chiến hay thời bình cũng hiện lên như một tượng đài về lòng tin, tình yêu, tình quân dân thắm thiết.“Đêm ngày vất vả tấm lòng son/Nặng nghĩa tình đời với nước non/Sương gió mưa tuôn tâm vẫn vững/Phong ba, bão táp dạ không mòn/Vào làng xuống núi nom bà mẹ/Lên rẫy tới trường giúp các con/Chiến sĩ biên phòng người của bản/Đêm ngày vất vả tấm lòng son” (Phên dậu biên cương - Hoàng Quang Ân).

Cũng từ những vần thơ giản dị, hình tượng người lính biên phòng mộc mạc, chân chất, gần gũi với thiên nhiên, nhân dân hiện lên đầy kiêu hãnh, hào sảng, vững chãi.“Biết mấy mùa xuân đẹp lạ thường/Anh người lính trẻ tỏa muôn phương/Rừng xanh gió hát mây vờn núi/Suối hát chim ca nguyệt dẫn đường/Vững chí chòi canh nơi mốc giới/Bền gan cắm chốt chốn biên cương/Quân dân nghĩa tình nặng son sắt/Tổ quốc thiêng liêng vững dặm trường” (Tổ quốc trong anh - Trúc Anh).

Tập thơ “Biên cương bình yên”.

Tập thơ “Biên cương bình yên”.

Nói đến biên phòng không thể không nhắc đến những cột mốc hữu hình và vô hình trên những cánh rừng, dòng sông. Người lính biên phòng cũng là những cột mốc chủ quyền của đất nước, cũng như Tổ quốc là điểm tựa, là cột mốc ghi tâm của người chiến sĩ. “Bình yên mốc giới đứng hiên ngang/Đất nước phồn vinh thế sẵn sàng/Bộ đội biên phòng bao vất vả/"Bốn cùng” dân bản giữ an khang” (Cột mốc biên cương - Nguyễn Duy Trọng).

Có đến với bộ đội biên phòng mới thấu hết những khó khăn vất vả và những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của họ. Mỗi bước đi là mỗi gian lao, mỗi ngày sống là mỗi thử thách trước khắc bạc thiên nhiên, trước nghiệt ngã cuộc sống nhưng với ý chí, quyết tâm vượt khó, không ngại gian khổ của người lính, hình tượng người lính vẫn hiện lên đầy hiên ngang, luôn vượt qua mọi chông gai, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. “Đứng gác tuần tra nào có nản/Hy sinh bảo vệ đất quê hương/Đỡ đầu dạy bảo đàn em nhỏ/Góp sức chung tay dựng lớp trường/Xóa đói, giảm nghèo đời đổi mới/Biên phòng cắm chốt rạng muôn nơi” (Tự hào lính biên cương - Dương Hồng Hạnh).

Phần thứ hai: Thắm tình quân dân. Những vần thơ ở phần thứ hai chủ yếu là của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nói về mình. Bằng ngôn ngữ chân chất, mộc mạc, từng vần thơ hiện lên với câu chữ chân thành, giản dị nhưng cũng rất cảm động. “Biên cương một dải điệp trùng/Non xanh, mây trắng quyện tầng không/Tuần tra người lính dồn chân bước/Gìn giữ non sông, đất Lạc Hồng/Cắt một đêm đông cơn gió lạnh/Nắng rát chặng đường lúc hạ sang/Dẫu bao gian lao lòng chẳng quản/Quyết chí lưu danh lính biên phòng” (Lính biên phòng - Bùi Văn Nhị).

Đâu chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình, người lính vẫn phải chịu những thiệt thòi, lặng lẽ cống hiến hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Cuộc sống đời thường của người lính biên phòng cũng đầy gian khổ, thiếu thốn. “Đường biên giới thường xuyên nhiều tranh chấp/Cái khổ, cái nghèo bao lấy quanh năm/Rồi đêm về giấc ngủ chẳng được yên/Ánh đèn đêm dầu chưa lần đủ thắp… /Cùng ở, cùng làm, cùng chia gian khó/Xóa nhà tạm, xây dựng trường bán trú/Nâng bước em thơ, giúp đỡ dân nghèo…” (Chặng đường biên cương - Bế Hồng Cương).

Giữa những xúc cảm hào hùng và đầy tự hào, đâu đó len lỏi giữa những vần thơ là âm vang bài hát của tuổi trẻ, của tuổi xuân, của sự hy sinh cao cả gắn những ngày tháng cuộc đời mình với biên cương Tổ quốc. “Hai mươi năm gắn bó với biên cương/Gửi cả tuổi xuân với dặm trường/Giữ từng cột mốc miền biên viễn/Dạt dào chan chứa đỗi yêu thương” (Thắm tình biên cương - Đặng Hồng Quân).

Đọc 204 bài thơ viết về biên cương tuyển chọn trong tập thơ có thể nhận thấy rõ tình cảm, sự thấu hiểu và sẻ chia, gắn bó của nhân dân với bộ đội, là sợi dây gắn kết vô hình, thể hiện ý chí bền chặt, tình cảm nồng hậu giữa hậu phương với người lính. Các bài thơ được tuyển chọn đưa mỗi người đến gần hơn với hình tượng người lính, mỗi bài đều thấp thoáng trong đó tình quân dân đan xen trong tổng thể tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, độc giả vẫn thấy nét trữ tình, lãng mạn của người lính với ý chí, quyết tâm vượt lên mọi chông gai, gian khó.

Hải Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-tho-bien-cuong-binh-yen-nhung-van-tho-ky-thac-gui-bien-cuong-3169419.html