Tập thơ Thiên lý hoa vàng của Kỳ Tam: Cùng hồn quê phảng phất mãi nơi này
NXB Hội Nhà văn vừa xuất bản tập thơ Thiên lý hoa vàng của tác giả Kỳ Tam (tên thật là Phạm Quốc Thân) trong quý II-2022, đúng vào thời điểm ông vừa nhận quyết định thôi làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP.Long Khánh. Xếp bút nghiên, rời Trường cấp III Kỳ Anh (Hà Tĩnh), lên đường tòng quân nhập ngũ vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đội hình Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam anh hùng). Từng tham gia nhiều trận đánh lớn như: giải phóng quận lỵ Chơn Thành - Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Phước); tham gia Chiến dịch 12 ngày đêm giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Trảng Bom, TP.Biên Hòa và Sài Gòn - Gia Định. Tốt nghiệp Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng. Cử nhân nhân văn. Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hội CCB TP.Long Khánh khóa III, IV (nhiệm kỳ 2012-2017 và 2017-2022).
Những năm gần đây, đâu đó thi thoảng trên các tạp chí văn nghệ của địa phương và Báo Đồng Nai cuối tuần tôi vẫn thấy thơ của ông được đăng tải với bút danh Kỳ Tam, hỏi ra mới biết: Kỳ Tam là tên của một ngôi làng ven biển có tên là Tam Hải, xã Kỳ Ninh nơi ông được sinh ra và lớn lên, do có nhiều kỷ niệm khó quên lúc thiếu thời nên ông đã lấy bút danh cho mình.
Thiên lý hoa vàng là tập thơ đầu tay của một CCB có đến 35 năm phục vụ trong quân đội với quân hàm đại tá. Tên ông là Phạm Quốc Thân, sinh 1955, cuộc sống lên rừng xuống biển, vào sinh ra tử với vốn sống dày dặn đã cho ông nhiều tư liệu quý để thăng hoa thành những vần thơ đầy tính nhân văn, triết lý và chạm vào lòng người đọc.
Hơn 35 năm trong quân ngũ, là ngần ấy thời gian ông dành cho thơ. Thơ đối với ông là người bạn, là lời tâm sự, động viên chính mình vượt lên trong nghịch cảnh. Thơ của ông bình dị, không trau chuốt, ít bóng bẩy, mộc mạc lại gần gũi với mọi người nên rất dễ tiếp nhận. Khi đọc vào từng câu chữ là cả một trời quê hương tha thiết, cả một miền yêu thương được hiện diện trong ấy.
Thiên lý hoa vàng với hơn 100 bài thơ nhiều thể loại, có bài cô đọng chỉ 4 câu nhưng chứa được nhiều tình cảm tha thiết với quê hương đất nước và đồng đội:
Xa quê mấy chục năm rồi
Mô, tê, răng rứa... trong tôi mãi còn
Dẫu cho trăng hết độ tròn
Tiếng quê không đổi sắt son chữ tình!
(Tiếng quê)
Chiến trường Campuchia cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với ông:
Mười năm là bấy nhiêu ngày
Mồ hôi, xương máu đã dày tấc son
Đất Chùa Tháp, đất Rồng Tiên…
Anh là thoi dệt hai miền với nhau.
(Mười năm)
Hay:
Anh đứng lặng bên dòng sông nước bạn
Em về rồi, với thành phố chiều nay
Câu hát Dặm không theo về chốn cũ
Cùng hồn quê phảng phất mãi nơi này!
(Câu hát Dặm bên dòng Tôn-lê-sáp)
Vốn thích chu du, khám phá nhưng ông ít thể hiện ra ngoài. Ông mượn những câu thơ để ghi dấu những kỷ niệm khó quên ở những vùng đất ông đặt chân tới:
Ai xây chợ nổi trên sông
Để lưu hồn khách bên dòng Hậu Giang!
(Chợ nổi Cái Răng)
Tản Viên soi bóng sông Đà
Xanh như dải lụa mượt mà Lương Sơn
Cao Phong mía ngọt, cam thơm
Lũng xa mái ngói, khói vờn Mai Châu.
(Qua Hòa Bình)
Ruộng bậc thang xếp chồng như nan quạt
Xòe vàng lên trên những rẻo đồi cao
Văn hóa lúa... ơi miền xuôi, miền ngược!
Cả ngàn năm dân tộc thổi hồn vào.
(Về Lai Châu)
Đối với quê hương thứ hai là TP.Long Khánh, nơi ông sinh sống, hồn thơ được trải rộng mênh mông giữa dòng đời:
Nông thôn mới, đường thênh thang rộng mở
Dân miệt vườn nhiều chị sắm xe hơi
Cà phê nhạc xập xình như phố chợ
Đảng vì dân nên dân đã lên đời.
(Long Khánh mùa hoa trái)
Có đôi lúc ông ngoái nhìn về quá khứ với nhiều kỷ niệm đẹp, niềm tự hào một thời niên thiếu:
Ước gì về lại ngày xưa
Bờ đê mướt cỏ cơn mưa dông chiều
Nồm, nam nâng cánh sáo diều
Con đò lặng lẽ cắm sào đợi ai...
(Hoài niệm)
Hoặc như:
Gian khổ nhiều nên cũng lắm yêu thương
Đồng đội tôi vẫn dìu nhau đi về phía trước
Mặc thế giới đổi thay, mặc dòng đời xuôi ngược
Đồng đội tôi - chữ trung hiếu vẹn toàn.
(Ghi ở Trung đoàn)
Thế mà:
Nửa đời tóc bạc màu sương
Nhớ quê tôi lại tìm đường về quê.
(Về quê)
Vậy nên:
Làng tôi, ngày ấy… bây giờ
Xa quê về lại, nằm mơ giữa ngày.
(Làng tôi)
Càng gần đến tuổi xế chiều, thơ ông càng đậm chất triết lý:
Thiên lý hoa vàng, Thiên lý ơi
Xuân về Thiên lý có về chơi?
Vườn xưa, giàn cũ, tình xuân cũ
Có đến hay là lại xa khơi!
(Thiên lý hoa vàng)
Những câu thơ của tác giả Phạm Quốc Thân đã chạm được đến nghệ thuật thơ, khiến cho người đọc lúc say sưa hư ảo, lúc hiện thực lý trí. Triết lý cuộc sống nhân sinh được ông dùng những câu từ mềm mại truyền tải khiến cho việc tiếp cận cũng trở nên nhẹ nhàng dễ chịu. Với ông, thơ vừa là một nghệ thuật tìm tòi sáng tạo, vừa là thú vui tuổi già. Những câu thơ ông viết ra từ nỗi lòng chất chứa với vị thế vững vàng của một người lính kinh qua trận mạc nhưng không hề cứng nhắc mà dư âm nó vẫn để lại mãi trong lòng người đọc.