Tập trận chung Mỹ-Nhật Keen Sword: 'Cảnh báo' trực diện gửi tới Bắc Kinh về tranh chấp đảo
CNN đăng tải, hàng nghìn binh lính Mỹ và Nhật Bản sẽ bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ vào đảo quy mô lớn tại Thái Bình Dương trong tuần này. Đây được coi như một thông điệp cảnh báo tới Trung Quốc rằng, Washington sẽ ủng hộ cho Tokyo trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia châu Á.
Phát biểu trên một tàu chiến Nhật Bản hôm thứ Hai (26/10), Tướng Kevin Schneider, người đứng đầu quân đội Mỹ tại Nhật Bản cho hay, cuộc tập trận là một minh chứng cho năng lực của liên minh Mỹ-Nhật trong việc "triển khai binh lính bảo vệ quần đảo Senkakus hoặc phản ứng trước các cuộc khủng hoảng bất ngờ khác".
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (còn được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Tuy nhiên, kể từ năm 1972, Nhật Bản đã nắm quyền quản lý quần đảo này. Từ nhiều năm nay, căng thẳng xung quanh chuỗi các đảo đá trải dài trên 1.900 km và không có người ở - đã luôn tồn tại trong quan hệ Trung-Nhật. Cả hai nước đều bày tỏ thái độ kiên quyết không thay đổi lập trường ban đầu.
Trong năm 2020, các tàu Trung Quốc được ghi nhận đã xuất hiện với tần suất kỷ lục trên vùng biển xung quanh Senkakus, dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ từ Tokyo.
Có tên gọi là Keen Sword 21, cuộc tập trận chung sắp tới của Mỹ và Nhật Bản diễn ra hai năm một lần và đã được tổ chức trong suốt hơn 30 năm. Năm nay, cuộc tập trận sẽ kéo dài cho tới tận ngày 5/11.
Cam kết của Mỹ
Viễn cảnh xảy ra đối đầu quân sự Trung-Nhật liên quan tới các đảo tranh chấp càng thu hút nhiều sự chú ý hơn bởi vì hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật quy định Washington phải bảo vệ các hòn đảo giống như chúng là lãnh thổ của Mỹ.
Cam kết trên một lần nữa được nhấn mạnh trong những cam kết được Tướng Schneider đề cập tới ngày 26/10.
Hồi tháng Bảy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã coi Senkakus là một trong những khu vực tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Pompeo, Trung Quốc đã "châm ngòi các tranh chấp lãnh thổ" như một hành động "bắt nạt" các láng giềng châu Á của mình.
Vì vậy, sự hiện diện "sánh vai" của quân đội Mỹ và Nhật Bản tại Thái Bình Dương trong tuần này đã tăng thêm trọng lượng cho những tuyên bố rằng, Tokyo và Washington luôn đoàn kết với nhau trong vấn đề Senkakus và nhiều hơn nữa.
Lực lượng tham gia tập trận chung bao gồm khoảng 9.000 lính Mỹ, một nhóm tàu sân bay tấn công, hơn 100 phi cơ chiến đấu Mỹ, hơn 37.000 lính Nhật Bản, 20 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản, 100 máy bay chiến đấu Nhật Bản và một tàu khu trục từ Canada. Tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ triển khai lực lượng lên các hòn đảo xung quanh Okinawa – nằm cách Senkakus tầm 400 km về phía đông.
Kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga không ngừng thúc đẩy lập trường của Nhật Bản ủng hộ cho "một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa". Không lâu sau khi nhậm chức, ông đã có chuyến công du tới Việt Nam và Indonesia nhằm củng cố quan hệ của Tokyo với các nước đang có tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Nhật Bản cũng tái khẳng định kết nối phòng thủ với Ấn Độ và Australia – hai nước còn lại trong nhóm đối tác ninh mang tên "Bộ Tứ" có sự tham gia của cả Mỹ và Nhật Bản.
Mặc dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, "Bộ Tứ" được coi là một đối trọng tiềm năng cho ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Nhóm này cũng bị Bắc Kinh miêu tả là "chống Trung Quốc".
Tháng sau, lực lượng hải quân của cả bốn nước trong "Bộ Tứ" sẽ tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn Malabar tại Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, hiện tại, chắc chắn Trung Quốc sẽ dồn sự chú ý vào những gì đang diễn ra trong cuộc tập trận Keen Sword.
Theo một thông cáo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ tại Hawaii, quân đội Mỹ và Nhật Bản "sẽ huấn luyện với một kịch bản toàn diện được thiết kế để thực thi các năng lực chủ chốt cần phải có nhằm hỗ trợ cho việc bảo vệ Nhật bản và phản ứng trước một cuộc khủng hoảng hoặc tình thế bất ngờ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương".
Các binh lính sẽ "luyện tập các năng lực chiến đấu đa dạng và thể hiện sự linh hoạt vốn có cũng như khả năng của quân đội Mỹ và Nhật Bản", thông cáo viết.
"Giá trị đánh chặn"
Cựu Giám đốc tác chiến tại Trung tâm Hợp tác Tình báo - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là Carl Schuster nhận định, các cuộc tập trận quy mô lớn có "giá trị đánh chặn lớn" đối với Trung Quốc.
"Chúng cho thấy việc chiếm đóng các hòn đảo không phải là một điều dễ dàng", ông Schuster chỉ ra.
Còn ông Corey Wallace, phó Giáo sư về chính sách đối ngoại Nhật Bản tại Đại học Kanagawa đánh giá, các cuộc tập trận đang thể hiện mức độ gắn kết mới giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản. Theo Wallace, Mỹ sẽ để máy bay vận tải MV-22 Osprey hạ cánh xuống tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản là JS Kaga. Trong tương lai, quân đội hai bên cũng có thể làm điều tương tự với các phi cơ chiến đấu tàng hình của mình.
"Chứng tỏ được sự tương hỗ giữa hai lực lượng trong bối cảnh thực tế là một mục tiêu quan trọng hơn rất nhiều so với việc phô diễn bất kỳ thiết bị quân sự mới nào", phó Giáo sư Đại học Kanagawa nói.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang "lặng lẽ" tiến hành hai cuộc tập trận tại hai biển Hoàng Hải và Bột Hải. Hai cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 30/10 và 10/11 là hoạt động mới nhất trong lịch trình bận rộn của quân đội Trung Quốc những tháng gần đây. Được biết, có thời điểm có tới 5 cuộc tập trận đã diễn ra cùng một lúc./.