Tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
Bộ Công Thương dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm nay, tạo đà cho thương mại tăng tốc và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cùng thị trường trong nước tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý I/2025
Thị trường trong nước sôi động
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 diễn ra chiều 4/4, Bộ Công Thương cho biết trong 2 tháng đầu năm 2025, thị trường trong nước phát triển sôi động do nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán và sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%).
“Mặc dù đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu chính thức của tháng 3 và quý I/2025, tuy nhiên dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm nay”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Về công tác quản lý thị trường, theo số liệu báo cáo, trong tháng 3/2025, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tăng cường giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kết quả , lực lượng QLTT đã kiểm tra 6.222 vụ, xử lý 5.648 hành vi vi phạm; thu nộp NSNN trên 90 tỷ đồng (từ ngày 16/12/2024 đến ngày 31/3/2025.
Liên quan đến hoat động thương mại điện tử (TMĐT), trong 3 tháng đầu năm 2025, thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, về cơ bản đáp ứng đúng kịch bản tăng trưởng đã được dự tính trước đó. Theo đó, ước tính tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT B2C trong quý I/2025 đạt khoảng từ 20 đến 22%.

Thị trường trong nước phát triển sôi động trong các tháng đầu năm
Trong tháng 3 năm 2025, Bộ Công Thương đã tiếp nhận tổng số 973 bộ hồ sơ nộp mới đăng ký và thông báo website/ứng dụng TMĐT, trong đó đã xử lý 784 bộ hồ sơ, đang xử lý 189 bộ hồ sơ. Tổng số bộ hồ sơ nộp mới trong quý I/2025 đạt 2.563 bộ hồ sơ, trong đó đã xử lý 2.353 bộ, đang xử lý 210 bộ.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa
Về tình hình quản lý, phân phối bán lẻ xăng dầu trong nước, theo Bộ Công Thương, công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường: Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng theo dõi chặt chẽ thị trường các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ, các đơn vị chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối, cung cầu, trong đó có mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường hỗ trợ tiêu thụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường trong nước góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu năm 2025.
Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
4 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước
Để duy trì ổn định và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, trong quý II và các tháng tiếp theo, Bộ Công thương tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính bao gồm:
Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao.
Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa các chương trình ưu đãi, giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng và gia tăng hiệu quả mua sắm. Phát triển các mô hình tiêu dùng kết hợp trải nghiệm, như trung tâm thương mại số, kết hợp thương mại - văn hóa - du lịch,… giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Khuyến khích các sàn thương mại điện tử lớn triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, phát động phong trào Gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên nền tảng số.
Thứ hai, đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm thiểu tác động từ biến động kinh tế bên ngoài. Phát triển hệ thống logistics thông minh, kết hợp kho bãi hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu vận chuyển, giảm chi phí phân phối.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung - cầu và giá cả hàng hóa, giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh.Tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết sản xuất với hệ thống phân phối, thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành chuỗi liên kết hàng thuần Việt.Thúc đẩy việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên toàn quốc.
Thứ ba, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường số, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao dịch số và nâng cao tính minh bạch trong thương mại. Thu hút đầu tư vào các mô hình bán lẻ thông minh, như cửa hàng tự động, thanh toán qua nhận diện sinh trắc học, logistics thông minh, giúp hiện đại hóa ngành bán lẻ.
Thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu, bảo đảm ổn định thị trường. Tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian, giúp giá cả hợp lý và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Phối hợp với các địa phương xây dựng phương án cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả, đặc biệt trong các dịp cao điểm để tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác điều hành giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng…