Tập trung các vấn đề bức xúc về lĩnh vực pháp chế

Thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp HĐND liên quan đến lĩnh vực tư pháp là lĩnh vực khó, đòi hỏi phải am hiểu sâu, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng của các ngành chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Để có được các báo cáo thẩm tra chất lượng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương chú trọng lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát, khảo sát trực tiếp, tập trung vào các vấn đề có nhiều ý kiến cử tri, Nhân dân quan tâm, nhất là các vấn đề bức xúc liên quan đến lĩnh vực pháp chế…

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế

Chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương được Thường trực HĐND tỉnh phân công thẩm tra Báo cáo các công tác của các ngành viện kiểm sát Nhân dân, tòa án Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự tỉnh. Theo quy định, việc thẩm tra các báo cáo trình tại kỳ họp là việc xem xét đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đưa ra những kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của ngành chuyên môn.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương làm việc với Tòa án về kết quả công tác xét xử 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: T. An

Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với thành viên Ban Pháp chế phải thường xuyên cập nhật, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thông qua các kênh thông tin như: khảo sát nắm tình hình cơ sở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả công tác định kỳ tháng, quý, 6 tháng, cả năm; tham dự các hội nghị, cuộc họp, hội thảo các cấp, các ngành tổ chức có nội dung liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Ban, nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực tư pháp, nội chính.

Để có được các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng, Ban xác định việc tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát thường xuyên có vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, Ban đã chú trọng lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát, khảo sát trực tiếp, những nội dung Ban chọn lựa thường tập trung các vấn đề có nhiều ý kiến cử tri, Nhân dân quan tâm, nhất là các vấn đề bức xúc liên quan đến lĩnh vực pháp chế như: công tác bảo đảm an ninh trật tự; an toàn giao thông; hoạt động cho vay, tư vấn tài chính; công tác quản lý người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; việc tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân… để có những nhận định chính xác, trung thực phản ánh trong các báo cáo thẩm tra.

Trong các báo cáo thẩm tra của Ban, ngoài đánh giá khách quan, khái quát về ưu điểm đạt được, Ban đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành trong từng lĩnh vực cụ thể. Đơn cử như trong báo cáo thẩm tra tình hình chấp hành pháp luật 6 tháng đầu năm 2022, Ban đã thẳng thắn chỉ ra: kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế; công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả chưa cao; tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường còn xảy ra nhiều, nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Chất lượng kiểm sát điều tra một số vụ án hình sự; kiểm sát, đôn đốc án hành chính, dân sự hiệu quả chưa cao, có vụ việc còn để kéo dài; công tác quản lý người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ chưa chặt chẽ.

Công tác xét xử của Tòa án Nhân dân 2 cấp đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên các sai sót hành chính tư pháp chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn án hủy, án sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Công tác thi hành án về tiền còn thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao; số tiền chuyển kỳ sau còn lớn; số vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm, nhất là các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa nỗ lực giải quyết dứt điểm...

Chú trọng chọn lựa nội dung giám sát

Trên thực tế, công tác thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp là một nội dung khó, đòi hỏi đại biểu phải có trình độ chuyên môn và am hiểu về lĩnh vực tư pháp, nhất là các khâu trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự; đồng thời, thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra trong lĩnh vực tư pháp, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hải Dương, trước hết, cần chủ động nắm bắt thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thường xuyên theo dõi, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và của địa phương trong lĩnh vực pháp chế. Cùng với đó, tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát thường xuyên; quan tâm chú trọng chọn lựa nội dung giám sát, đi sâu vào các vấn đề bức xúc xã hội đang được nhiều cử tri, Nhân dân quan tâm để làm cơ sở đối chiếu, phản ánh vấn đề trong thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp. Tăng cường phối hợp với cơ quan Nội chính của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh để kịp thời nắm bắt các thông tin và phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Cùng với đó, chú trọng phát huy vai trò thành viên Ban trong nghiên cứu, xây dựng nội dung thẩm tra, giám sát. Tăng cường thông tin trao đổi với các thành viên Ban, nhất là các cán bộ lãnh đạo các địa phương để có nhận định đánh giá chính xác, sát thực tiễn trong các nội dung thẩm tra. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng thẩm tra, giám sát cho các thành viên Ban, chuyên viên tham mưu giúp việc Ban.

THÁI HÒA

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tap-trung-cac-van-de-buc-xuc-ve-linh-vuc-phap-che-i309732/