Tập trung cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Năm 2022, tỉnh Long An đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt từ 70 điểm trở lên và trở lại top 10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước. Để đạt mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương bám sát từng mục tiêu cụ thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện từng chỉ số thành phần.

Cải thiện điểm số thấp

Kết quả công bố từ VCCI, PCI năm 2021 của tỉnh đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Khá với 66,58 điểm; giảm 13 bậc và giảm 3,79 điểm so với năm 2020. Trong 10 chỉ số, có 2 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng từ 7 điểm năm 2020 lên 7,54 điểm trong năm 2021; Thiết chế pháp lý và An ninh, trật tự tăng từ 7,16 điểm năm 2020 lên 7,30 điểm trong năm 2021. Năm 2021, tỉnh có đến 8 chỉ số thành phần giảm điểm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động. Trong đó, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm điểm nhiều nhất, giảm 2,96 điểm.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công

Tại hội nghị đánh giá kết quả chỉ số PCI năm 2021, lãnh đạo tỉnh đã nhìn nhận có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến điểm số, thứ hạng đều giảm. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của các “điểm nghẽn” đều được các ngành, địa phương chủ động tìm giải pháp khắc phục, nâng cao PCI năm 2022.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là đầu mối chủ trì, theo dõi và thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Đào tạo lao động theo đánh giá PCI. Năm 2021, chỉ số Đào tạo lao động đạt 5,44 điểm, giảm 0,94 điểm. Đây là chỉ số thành phần có điểm số giảm sâu thứ 2 trong 8 chỉ số thành phần PCI bị giảm điểm năm 2021. Để khắc phục điểm yếu về giảm điểm số, từng bước cải thiện điểm số và thăng hạng, giúp DN giảm tỷ lệ chi phí tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh, lãnh đạo Sở này cho biết đang triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm phối hợp chặt chẽ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường tương tác với DN trong đào tạo, giới thiệu kết nối việc làm cho lao động có tay nghề; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, học viên sau đào tạo. Đồng thời, Sở phối hợp các công ty đầu tư hạ tầng tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH triển khai hiệu quả Quyết định số 2746/QĐ-UBND, ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh để tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ, nhu cầu tuyển dụng của DN; đưa các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, an toàn lao động và kiến thức khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình đào tạo.

Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng

Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, tiến đến thăng hạng về điểm số cũng như thứ hạng PCI. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính. Qua đó xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển DN, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) khảo sát công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Long An

Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) khảo sát công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Long An

Chi phí không chính thức năm 2021 của tỉnh đạt 7,27 điểm, so với năm 2020 giảm 0,73 điểm, giảm 20 bậc so với cả nước và giảm 8 bậc trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là chỉ số thành phần có sự thay đổi không ổn định qua các năm. Để cải thiện chỉ số này, Cục Hải quan tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan thông qua áp dụng Hệ thống Thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Tất cả DN khai báo tờ khai hải quan thông qua Hệ thống và khai báo 24/7 trên môi trường Internet. Đồng thời, DN đính kèm chứng từ thuộc hồ sơ hải quan trên hệ thống E-customs, trừ trường hợp phải nộp chứng từ giấy theo quy định. Do đó, DN không phải đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí của DN. Cơ quan hải quan bảo đảm Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh hỗ trợ khác được vận hành ổn định, thông suốt, bảo đảm an ninh, an toàn.

Ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4, đạt 90% tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan, cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả hoàn toàn thông qua hệ thống. Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh thường xuyên quán triệt công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thái độ phục vụ DN; đồng thời, đơn vị sẽ xử lý nghiêm nếu công chức có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực môi trường thuận lợi, bình đẳng giữa các DN.

Cục Hải quan tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục thông quan

Cục Hải quan tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục thông quan

Nhiều sở, ngành như Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Thuế tỉnh,... cũng xây dựng kế hoạch cải thiện PCI. Trong đó, các đơn vị đều ưu tiên tập trung các giải pháp cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của các chỉ số thành phần còn thấp hạng; các chỉ số còn lại phải được tiếp tục phát huy, hoàn thiện và tăng điểm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh của DN, tỉnh đang tập trung cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng. Trong đó, khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng thu hút nhà đầu tư. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải xem nhiệm vụ thực hiện dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng, hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh tăng cường và sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng bền vững; xác định rõ các dự án trọng tâm, trọng điểm có tính động lực cao, phát triển liên kết vùng. Ngoài ra, tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn./.

Gia Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tap-trung-cai-thien-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-a144560.html