Tập trung cao độ thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế
Đó là chỉ đạo của đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 (lần 2).
Chiều 16.5, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 (lần 2) của UBND tỉnh để xem xét, thảo luận một số nội dung, tờ trình do các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; UBND huyện Cẩm Giàng, TP Chí Linh; Văn phòng UBND tỉnh và Cục Thống kê báo cáo.
Cho ý kiến vào nội dung dự báo tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt, tập trung cao độ thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trọng điểm, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ nhằm tạo ra động lực cho sản xuất. Ngoài ra, cần chú trọng bám sát thị trường, đề xuất giải pháp cân đối cung-cầu, không để gián đoạn sản xuất vì chênh lệch cung cầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh thủ tục hành chính, sớm đưa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được phê duyệt vào hoạt động, tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư. Tích cực gỡ khó để kích thích giao dịch bất động sản, tạo nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, ngành kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục các dự án khởi công mới, ưu tiên nguồn lực cho dự án quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Những dự án giải ngân chậm phải báo cáo kịp thời để xem xét xử lý, nếu cần thiết chuyển vốn cho dự án khác. Quyết liệt giải phóng mặt bằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, định hướng giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý II của Hải Dương gặp nhiều khó khăn, thách thức do hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế vẫn chưa hồi phục; nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn xã hội do lạm phát và lãi suất tăng, làm giảm nhu cầu tiêu dùng kéo theo sản xuất, xuất khẩu giảm… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cần thời gian tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất chưa thể phát huy tác dụng ngay.