Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Mùa

Hiện nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy vụ Mùa, bảo đảm kế hoạch đề ra về diện tích, khung thời vụ. Tổng diện tích gieo cấy vụ Mùa trên 22.300ha đạt 100% kế hoạch.

Nông dân xã Thượng Nông, huyện Tam Nông làm cỏ sục bùn cho lúa Mùa

Nông dân xã Thượng Nông, huyện Tam Nông làm cỏ sục bùn cho lúa Mùa

Bên cạnh cây lúa, diện tích ngô đã gieo trồng được trên 4.000ha, đạt khoảng 80% kế hoạch; diện tích rau xanh đã gieo trồng được gần 3.700ha, đạt trên 83% kế hoạch. Riêng đối với rau xanh, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần chú ý sản xuất theo yêu cầu thị trường, có kế hoạch gieo trồng luân canh, xen canh; sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ thay cho vô cơ nhằm bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm sản xuất...

Đến nay, trên đồng ruộng tại nhiều địa phương đã phát hiện một số loại sâu bệnh hại trên cây lúa như: Ốc bươu vàng bị nhiễm trên 170ha; ruồi đục nõn bị nhiễm khoảng 25ha; trên cây ngô đã phát hiện sâu keo mùa Thu với diện tích gây hại nhẹ cho trên 50ha. Ngay sau khi phát hiện sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo cán bộ trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để tổ chức xử lý, phòng trừ.

Để bảo đảm kết quả sản xuất vụ Mùa đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đã yêu cầu công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ chỉ đạo các xí nghiệp thủy nông cung cấp đủ nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa và cây trồng màu vụ mùa; đồng thời chủ động các biện pháp tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa lớn xảy ra.

Thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chăm sóc rau xanh

Thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao chăm sóc rau xanh

UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân đẩy mạnh chăm sóc lúa Mùa; bón thúc lần 1 cho diện tích lúa cấy trà Mùa muộn đã hồi xanh; tổ chức sục bùn giúp cho lúa dễ hấp thu chất dinh dưỡng; bón bổ sung đạm, u rê, ka li kết hợp làm cỏ sục bùn với diện tích lúa sinh trưởng, đẻ nhánh kém.

Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm và chỉ đạo phòng trừ kịp thời có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa ngay từ đầu vụ.

Từ 5-6 năm nay, gia đình chị Hà Thị Kim Liên, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã chuyển sang sử dụng các loại phân hữu cơ kết hợp với vô cơ để bón cho lúa chứ không dùng nguyên phân hóa học như trước kia. Nhờ có phân hữu cơ cải tạo lại đất, lúa nhà chị đẻ nhánh khỏe, phát triển tốt, có sức chống chịu sâu bệnh...

Chị Liên chia sẻ: "Qua các lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông, hiện nay gia đình tôi và các hộ khác chủ yếu dùng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong quá trình chăm sóc lúa. Phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học chỉ dùng ở mức hạn chế tối đa, vừa đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất cũng đảm bảo các yêu cầu khi bán ra thị trường."

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, nửa cuối năm 2024 có nguy cơ xảy ra nhiều đợt thiên tai. Vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo vệ sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phan Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tap-trung-cham-soc-cay-trong-vu-mua-215648.htm