Tập trung chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây ăn quả, cây mắc ca
Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành văn bản số 454/SNNMT-TTBVTV ngày 2/4/2025 về việc tăng cường chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây ăn quả, cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây ăn quả, mắc ca trên địa bàn, hiện tại chủ yếu ở giai đoạn ra hoa và đậu quả. Đây là thời kỳ cây trồng dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi và sâu bệnh hại.

Người dân xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: Phạm Trung
Hiện nay, một số đối tượng sâu bệnh hại đã xuất hiện trên cây trồng như: Rệp kim, câu cấu, sâu vẽ bùa, bệnh chảy gôm, bệnh muội đen trên cây có múi; bệnh mốc sương, thán thư trên xoài; bọ xít nâu trên nhãn vải; rệp, bọ xít muỗi, xì mủ trên cây mắc ca. Dự báo, trong thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với sương mù vào sáng sớm và đêm, nền nhiệt độ thấp kết hợp với nắng nóng và mưa rải rác kèm theo dông, gây nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đậu quả và gia tăng sâu bệnh hại.
Để hạn chế thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các đơn vị triển khai các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả và cây mắc ca. Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường công tác điều tra, phát hiện và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch hại kịp thời. Các biện pháp chăm sóc bao gồm: Thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành già cỗi, tạo thông thoáng cho tán cây, giúp tăng khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại. Ngoài ra, việc bón phân cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng và bổ sung phân qua lá cũng rất quan trọng trong việc bảo đảm năng suất và chất lượng quả.
Các cơ quan cũng cần chủ động cung cấp nước tưới thường xuyên cho cây, tránh hiện tượng "sốc nước" khi mùa mưa đến. Việc bảo vệ và nhân nuôi các loài thiên địch tự nhiên, kết hợp với phòng trừ sâu bệnh theo điều tra và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết cũng cần được ưu tiên. Đặc biệt, các đơn vị chuyên môn cần chú ý các đối tượng sâu bệnh như rệp vảy, sâu vẽ bùa, bệnh muội đen trên cây có múi; câu cấu hại lá, bệnh mốc sương, thán thư trên xoài; bọ xít nâu, rệp sáp trên cây nhãn vải và bọ xít muỗi, bệnh xì mủ trên cây mắc ca.
Bên cạnh đó, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng cần tổ chức kiểm tra thực tế tại các khu vực trọng điểm, hỗ trợ các đơn vị chuyên môn trong công tác điều tra phát hiện, dự báo và đề xuất giải pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại kịp thời. Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc và phòng chống sâu bệnh.