'Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA'
BHG - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc giữa Thường trực UBND tỉnh với các sở, ngành, đơn vị về tình hình, tiến độ triển khai các dự án ODA 5 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện các tháng cuối năm. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện và giải ngân đối với từng dự án ODA; hàng tháng, tổ chức đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, giải ngân. Thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là dự án Hạ tầng phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc - tiểu dự án Hà Giang; dự án Phát triển các đô thị loại II (đô thị xanh)… Kế hoạch vốn đã phân bổ năm 2022 trên 1.020 tỷ đồng; đến ngày 10.6.2022, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đạt trên 70 tỷ đồng, đạt 6,88% kế hoạch; dự kiến giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 30.6.2022 đạt trên 105 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 dự án ODA; tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm; quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc: Mưa lớn kéo dài bất thường trên diện rộng nên việc thi công các công trình gặp nhiều khó khăn, một số vị trí xảy ra tình trạng ngập úng; một số nơi sạt lở đất, gây thiệt hại cho công trình. Giá nguyên vật liệu, nhân công biến động tăng cao, dẫn đến tình trạng một số công trình nhà thầu thi công cầm chừng. Nhiều hạng mục phát sinh, dẫn đến thay đổi, điều chỉnh hồ sơ thiết kế công trình, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Năng lực nhà thầu, phương án tổ chức thi công tại một số công trình hạn chế; trình tự thực hiện các thủ tục đất đai của các dự án còn chậm; việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều vướng mắc…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, nhấn mạnh: Việc triển khai các dự án ODA là nhiệm vụ để phục hồi, thúc đẩy KT – XH và góp phần quan trọng giúp tỉnh đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án ODA. Xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan. Chủ đầu tư các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về giải ngân nguồn vốn đầu tư. Thường xuyên rà soát kế hoạch thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của các chương trình, dự án trong phạm vi dự toán được giao; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2022. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 được giao; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, bảo đảm dự án tuân thủ đúng quy định của nhà tài trợ và các quy định của pháp luật. Hoàn thiện hồ sơ thanh toán sau khi có khối lượng được nghiệm thu, không để dồn đến cuối năm. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Hoàn tất các thủ tục đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với dự án Đô thị xanh, chủ đầu tư cần phối hợp với UBND thành phố Hà Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập biểu đồ từng dự án; hoàn thiện thủ tục, quy trình đầu tư theo quy định; giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với các đơn vị tư vấn giám sát. Đối với các dự án còn lại, các sở, ngành theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án…