Tập trung điều hành hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ
Chiều 27/12, Bộ Tài Chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, triển khai các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hồ Đức Phớc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023 được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa phải nỗ lực khắc phục ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19 vừa phải đối mặt với khó khăn, thách thức phát sinh từ môi trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đã ban hành các chính sách tài khóa linh hoạt; quản lý, điều hành thu, chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.
Đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt hơn 1.693 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so với dự toán. Chi ngân sách hết năm 2023 ước khoảng 1.730 nghìn tỷ đồng.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, kết quả thu NSNN năm nay đạt được xuất phát từ sự phân tích, dự báo kịp thời diễn biến, tình hình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, từ đó có giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, kết quả thu NSNN ở một số địa phương còn đạt thấp so với dự toán, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn nêu, sau đại dịch Covid-19, năm 2023, tỉnh Bắc Giang cũng như các tỉnh khác trong cả nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song tỉnh đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH; dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước) đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư đạt hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN của tỉnh đến ngày 25/12/2023 đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, vượt 27% dự toán T.Ư giao; vượt 7,4% dự toán tỉnh giao. Chi ngân sách địa phương cơ bản theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu các khoản chi cho con người.
Năm 2024, tỉnh tập trung bám sát nhiệm vụ thu NSNN; chú trọng công tác phân tích, dự báo tác động ảnh hưởng tăng, giảm đến nguồn thu trên địa bàn, thường xuyên rà soát, phân tích các khoản thất thu, khoản thu đạt thấp, khoản thu còn tiềm năng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đề ra các giải pháp tăng thu. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…
Trong công tác chi NSNN, tỉnh đẩy nhanh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung cho các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia… Tiếp tục ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm các nhiệm vụ về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN…
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành Tài chính đạt được trong năm 2023. Đồng chí nhấn mạnh, dự báo năm 2024, diễn biến khu vực và thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, các mục tiêu về tài chính - NSNN, đồng chí yêu cầu ngành Tài chính cần bám sát phương châm hành động của Chính phủ ngay từ đầu năm để điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.
Cùng đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu thuế, xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Ngành Tài chính cần thực hiện tốt công tác quản lý việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với các hoạt động kinh doanh, tránh thất thu thuế. Tiếp tục quản lý chi chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi; nâng cao hiệu quả phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; công khai minh bạch trong thu, chi NSNN; theo dõi kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng chí yêu cầu ngành Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công; bảo đảm thị trường tài chính vận hành ổn định, an toàn; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị DN; tháo gỡ khó khăn cho DN để ổn định, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách…
Tin, ảnh: Minh Linh