Tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU về 'Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025', kinh tế Thủ đô đã có những bước phát triển, đổi mới mạnh mẽ. Năm 2025 là năm cuối thực hiện chương trình này, thành phố Hà Nội đang nỗ lực tăng tốc, bứt phá để có thể về đích với kết quả cao nhất.

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông.

Sản xuất tại Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông.

Bài 1: Kinh tế Thủ đô chuyển dịch tích cực

Bằng những định hướng rõ ràng, cơ cấu kinh tế Thủ đô 5 năm qua đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu dự kiến khó hoàn thành, đặt ra những thách thức không nhỏ cho thành phố.

Triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/ TU, kinh tế Thủ đô đã ghi nhận sự phục hồi tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021- 2024 tăng 6,21%, cao gấp hơn 1,1 lần mức tăng của cả nước (5,66%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 163,5 triệu đồng (6.763 USD), gấp 1,26 lần năm 2020.

Điểm nổi bật trong kết quả thực hiện Chương trình số 02 chính là cơ cấu ngành của kinh tế Thủ đô có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2024, dịch vụ chiếm 65,6%, tăng 2,54 điểm % so với đầu nhiệm kỳ, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm 0,28 điểm %, còn 1,96%; tỷ trọng thuế sản phẩm giảm 1,37 điểm %, còn 9,65%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng giảm 0,89%, còn 22,79%; các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, thương mại điện tử... chuyển biến rõ rệt.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sau hơn bốn năm triển khai Chương trình số 02, tất cả các chỉ tiêu phát triển du lịch Thủ đô đều giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Chỉ tiêu khách du lịch đến Hà Nội đã tăng từ 4 triệu lượt khách năm 2021 lên 27,86 triệu lượt khách năm 2024; khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ từ 1,68 triệu lượt khách năm 2022 lên 6,35 triệu lượt khách năm 2024, đứng đầu các tỉnh, thành phố. Ngành du lịch Hà Nội đã chủ động, sáng tạo phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn, có thương hiệu.

Ngành nông nghiệp đã giảm tỷ trọng trong tổng cơ cấu kinh tế và được cơ cấu lại nội ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các giống cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế và hiệu quả cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 5-6 lần so với trồng lúa... Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lĩnh vực thương mại điện tử đã có bước chuyển rõ rệt. Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân. Năm 2023, Hà Nội tiếp tục đứng thứ hai trong bảy năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực còn được thể hiện qua số liệu thu ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2021-2024, tổng thu ngân sách nhà nước liên tục tăng, đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, vượt 12,6% kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I Vũ Mạnh Cường cho biết, cơ cấu nguồn thu dịch chuyển theo hướng bền vững, tỷ trọng thu từ các ngành sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ tăng dần qua các năm; giảm dần nguồn thu từ tài nguyên, đất đai... Xét theo cơ cấu nguồn thu của khối sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn 2021-2024, kinh tế tư nhân có sự bứt phá mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn đạt hơn 17%, đưa khối này lên giữ vai trò nòng cốt, đóng góp 45% tổng thu của khối sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh kết quả đạt được trong tái cơ cấu kinh tế, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế. Đó là các ngành kinh tế duy trì tăng trưởng, song có mức tăng thấp (GRDP giai đoạn 2021-2024 tăng 6,21%) và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 5 năm đề ra (từ 7,5-8%). Dự kiến, bình quân giai đoạn 2021- 2025 GRDP tăng 6,57%, không đạt kế hoạch đề ra. Trong lĩnh vực công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, tốc độ chuyển dịch tỷ trọng ngành công nghiệp thấp hơn mục tiêu; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm mới; công nghiệp hỗ trợ quy mô còn nhỏ. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, khó hoàn thành mục tiêu đạt tỷ trọng 17% GRDP vào năm 2025. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, khu vực nội thành và ngoại thành phát triển chưa cân đối, chủ yếu là tập trung ở nội thành.

Ngoài ra, kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chưa rõ nét các mô hình kinh tế mới, như: Kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP tăng, tuy nhiên mức tăng rất ít, khả năng đạt mục tiêu 30% năm 2025 là khá khó khăn… Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, điều này đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong năm cuối thực hiện chương trình, đòi hỏi sự đổi mới tư duy và hành động quyết liệt, nỗ lực không ngừng.

(Còn nữa)

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-trung-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-tai-co-cau-kinh-te-post869151.html