Tập trung giải bài toán thiếu giáo viên ở một tỉnh ĐBSCL
Tỉnh Tiền Giang ban hành nhiều chính sách nhưng tình trạng thiếu GV vẫn diễn ra.
Tỉnh đang tập trung nguồn lực để thu hút, đảm bảo nguồn tuyển.
Khó khăn vì thiếu nguồn tuyển
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 400 giáo viên Mầm non; 300 giáo viên Tiểu học; và hơn 300 giáo viên THCS và khoảng 100 giáo viên THPT. Dự báo thời gian tới nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiếp tục tăng do gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong việc thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với bậc học mầm non, mặc dù nhiều năm qua, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút tuyển dụng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của hiệu trưởng bậc học mầm non, mặc dù có cơ chế, có đãi ngộ, tuy nhiên nhiều sinh viên ra trường lại ngại xa, ngại khó, từ đó mất cân đối trong nguồn tuyển. Những trường ở địa bàn thành thị thì nguồn tuyển dồi dào, trong khi đó những trường ở vùng sâu, vùng xa nguồn tuyển rất ít.
Cô Phạm Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang cần tuyển đến 6 giáo viên mới đủ nguồn giáo viên đang thiếu của trường, nhưng vẫn không có nguồn để tuyển.
Qua các kênh trên mạng xã hội, không riêng gì trường chúng tôi, ban giám hiệu một số trường khác đã có thông báo rộng rãi và thậm chí đã chủ động liên lạc với Trường Đại học Tiền Giang để tiếp cận với nguồn sinh viên mầm non sắp ra trường, tuy nhiên, con số đồng ý “đếm trên đầu ngón tay”. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nuôi và dạy trẻ của trường.
Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển GD&ĐT trên địa bàn, UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quan trọng. Trong đó có Nghị quyết số 11/2021 ngày 17/9/2021 quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, trợ cấp trẻ em mầm non là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 21/2022 ngày 10/12/2022 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh Tiền Giang… Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên vẫn cứ tiếp diễn.
Nguyên nhân thiếu giáo viên trước hết là do hằng năm ngành Giáo dục vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của Trung ương. Thời gian qua tỉnh có số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế rất đáng kể. Trong khi đó, nguồn tuyển kế thừa lại khiêm tốn do chế độ tiền lương, đãi ngộ, phụ cấp còn thấp.
Kế tiếp là Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi về cơ cấu môn học nên có môn thừa, môn thiếu; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ở các cấp THCS, Tiểu học, Mầm non, việc tuyển dụng giáo viên không phải do Phòng GD&ĐT chủ trì, dẫn tới việc ngành không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.
Cần chính sách thu hút sinh viên sư phạm
Về giải pháp trước mắt, tỉnh Tiền Giang hợp đồng giáo viên, tuy nhiên nhiều trường cũng không có nguồn giáo viên để hợp đồng, nhất là các trường nằm xa khu vực trung tâm.
Giải pháp tiếp theo là các trường thỉnh giảng giáo viên từ các trường khác, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Một số trường THCS, THPT do chưa có hoặc chưa đủ nhân sự, không ít giáo viên phải kiêm nhiệm dạy thêm các môn chưa đúng trình độ chuyên môn.
Về giải pháp lâu dài, ngành Giáo dục Tiền Giang tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện ngành Giáo dục tỉnh đang mở 11 lớp bồi dưỡng môn mới trong Chương trình GDPT 2018. Trong đợt 1 năm 2023, có 189 giáo viên môn Tin học và Công nghệ, 370 giáo viên Khoa học tự nhiên, 330 giáo viên Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng do Trường ĐH Sư phạm TPHCM đảm nhận.
Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý cùng giáo viên các cơ sở giáo dục Mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng. Nghị quyết này về cơ bản đã giúp các địa phương bổ sung được nguồn giáo viên cho bậc Mầm non công lập.
Đối với bậc học phổ thông, về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với các trường đại học liên kết đào tạo nguồn giáo viên cho địa phương, đặc biệt ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng trong nhiều năm qua như Lịch sử, Địa lý...