Tập trung giải ngân nguồn vốn ngân hàng ngay từ đầu năm

Nhận định tình hình những tháng đầu năm 2022, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu về vốn tăng cao nhằm phục vụ sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình, ổn định cuộc sống. Vì vậy, các ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh các gói tín dụng với nhiều ưu đãi.

Your browser does not support the audio element.

Ngân hàng Liên Việt chi nhánh tỉnh Hòa Bình luôn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Liên Việt chi nhánh tỉnh Hòa Bình luôn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trước yêu cầu đáp ứng nguồn lực về vốn nhằm thúc đẩy KT-XH trong tình hình mới, ngay từ những tháng đầu năm, ngành ngân hàng tỉnh tích cực trong hoạt động của ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì vốn cho sản xuất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo thống kê của NHNN tỉnh, tổng nguồn vốn trên toàn địa bàn tính đến ngày 31/1/2022 đạt khoảng 33.900 tỷ đồng, tăng khoảng 1% so với cuối năm 2021. Trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư ước thực hiện đến ngày 31/1/2022 tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2021, đáp ứng 89% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay, huy động tiền gửi từ dân cư chiếm trên 73% vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư.

Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ toàn địa bàn đến ngày 31/1/2022 đạt khoảng 29.600 tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm 31/12/2021; dư nợ ngắn hạn chiếm 43,2%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 56,8% tổng dư nợ.

Về lãi suất cho vay được nhận định vẫn ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên 4,5%/năm (đối với ngân hàng thương mại (NHTM) và 5,5%/năm (đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường: ngắn hạn tại các NHTM phổ biến 7 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 5,9 - 12,7%/năm; QTDND: ngắn hạn từ 9,1 - 10,2%/năm, trung, dài hạn từ 10,2 - 11,6%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng: ngắn hạn tại các NHTM dao động từ 7 - 11,5%/năm, trung và dài hạn từ 8,5 - 13%/năm, QTDND từ 11 - 12,2%/năm.

Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, các NHTM tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN của NHNN Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Hội sở chính đến khách hàng theo quy định. Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện gia hạn nợ cho khách hàng; cho vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2022/QĐ-TTg.

Mới đây, Ngân hàng CSXH tỉnh cùng với các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thực hiện cho vay ưu đãi 6 chương trình và hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm.

Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh, ngay từ đầu năm, để đảm bảo hoạt động của các TCTD có hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH tỉnh nhà, NHNN tỉnh đã thực hiện giám sát các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Chấp hành chế độ thông tin báo cáo với NHNN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đối với các NH, TCTD, ngoài thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh năm 2022 được Hội sở chính giao phù hợp với nhiệm vụ phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, NHNN tỉnh yêu cầu thông tin đầy đủ, kịp thời về các chính sách, chương trình và giải pháp hỗ trợ đối với khách hàng vay vốn để triển khai, phối hợp thực hiện.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/163122/tap-trung-giai-ngan-nguon-von-ngan-hang-ngay-tu-dau-nam.htm