Tập trung giải quyết 'điểm nghẽn' để hoàn thành mục tiêu

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII, cùng với ghi nhận những kết quả nổi bật trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm như: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,6%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước... các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những 'điểm nghẽn' đòi hỏi tỉnh cần tập trung giải quyết để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Kết thúc 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,6%, xếp thứ 20 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Ngành công nghiệp đóng vai trò đầu tàu, động lực chính trong tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động và tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, kết quả đó đến từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước… Đặc biệt, UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn tình hình; quán triệt phương châm hành động năm 2024 của Chính phủ:“Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Còn theo đại biểu Từ Thị Hòa, đạt được kết quả đó có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, nhất là việc HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương…

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng: Việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn chưa đạt kế hoạch; thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh hiệu quả chưa cao; hoạt động của doanh nghiệp, lĩnh vực du lịch, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn; một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị, phản ánh chưa được giải quyết thỏa đáng… “UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển các đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đại biểu Lê Trung Phước cho rằng: Để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tạo nguồn thu ngân sách bền vững tại các khu kinh tế, đề nghị tập trung cao các giải pháp cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, chiến lược… Đồng thời, sớm triển khai lập, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; ưu tiên nguồn lực xây dựng quỹ đất tái định cư giải phóng mặt bằng chung các dự án; tiếp tục đồng hành tối đa với các nhà đầu tư, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án đầu tư…

Đại biểu Nguyễn Quang Thọ đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện, cụ thể hơn tình hình hoạt động của các khu kinh tế, nhất là khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, quan tâm bố trí các nguồn vốn đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biên...

Phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu ghi nhận: các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ tiếp tục được nhân rộng với kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành nông nghiệp còn thấp so với các tỉnh trong khu vực; các huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao như Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân đang gặp khó khăn về nguồn lực…

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Xuân Hoa

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: Xuân Hoa

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đề xuất: tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa; đẩy mạnh chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả…

Đại biểu Nguyễn Văn Danh đề nghị tỉnh triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đã ban hành; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động chăn nuôi, nhất là đối với trang trại quy mô lớn và vừa… Chung quan điểm, đại biểu Hà Thị Việt Ánh cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, vì đây sẽ là "bệ đỡ" của nền kinh tế và là nguồn sống của đa số dân cư, lực lượng lao động của tỉnh. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quan tâm chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu dứa để tiến tới có thể xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh; có kế hoạch sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính gắn với tạo và bán tín chỉ carbon…

D. Anh - X. Hoa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/tap-trung-giai-quyet-diem-nghen%C2%A0de-hoan-thanh-muc-tieu-i381378/