Tập trung giải quyết những khó khăn của ngành chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, ngành chăn nuôi đã đạt một số kết quả khả quan: Đàn lợn, gia súc, gia cầm phát triển tốt. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,05 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiếp tục hướng đến xuất khẩu. Năm 2023, ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để ứng phó những thách thức từ thực tế.
Ngành chăn nuôi đang phải đối mặt nhiều khó khăn như: Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng do phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ các nước (hàng tỷ USD mỗi năm), khiến giá thành sản xuất “đội lên”, bởi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng từ 60 đến 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết thêm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá sản phẩm chăn nuôi hiện thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông hộ gặp khó. Do vậy, để ngành chăn nuôi tăng tốc cần sớm giải quyết được “mắt xích” yếu này. Khâu chế biến sâu còn yếu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tồn tại nhiều bất cập trong việc kết nối giữa sản xuất và thị trường, hiện khâu trung gian có nhiều lợi nhuận nhất.
Giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động, không ổn định, khiến nhiều nông hộ phải giảm quy mô đàn, thậm chí treo chuồng. Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chưa được như mong muốn (5 năm trở lại đây giá trị xuất khẩu chỉ đạt khoảng 400 triệu đến hơn 500 triệu USD/năm, chưa tương xứng với tiềm năng). Hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm còn bất cập, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn nhiều, số cơ sở giết mổ tập trung ít, công suất thực tế còn thấp so với công suất thiết kế.
Dịch bệnh trên đàn vật nuôi (dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò) tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, phần nào đã tác động đến hoạt động chăn nuôi. Hệ thống thú y có nhiều biến động về nhân sự nên việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn chưa tốt. Người chăn nuôi vẫn thiếu vốn, thiếu quỹ đất để đầu tư, phát triển sản xuất. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được giải quyết rốt ráo.
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi khởi sắc, tới đây các địa phương cần tích cực triển khai Luật Chăn nuôi, Chiến lược Phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ổn định phát triển chăn nuôi lợn, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ để đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Đẩy mạnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất, ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái; tiếp tục cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn…; lai tạo các tổ hợp gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp, lựa chọn và phát triển các giống gà đặc sản gắn với từng vùng; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng.
Đối với chăn nuôi nông hộ cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, an toàn, khuyến khích người dân tận dụng phụ phẩm làm nguồn thức ăn. Chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng ngô, sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sớm phát triển các vùng nguyên liệu thay thế tại các địa phương có lợi thế. Hiện nay, mỗi năm nước ta có hàng chục triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp có thể làm thức ăn chăn nuôi, vì vậy nên tận dụng nguồn nguyên liệu này, không để lãng phí, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. Mặt khác, theo TS Lã Văn Kính (Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), nên chú trọng đầu tư về trang thiết bị cho các chương trình nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí, từ đó có thể giảm giá thành sản xuất.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, 5 đề án về giống, thức ăn dinh dưỡng, chế biến, thiết bị chăn nuôi và xử lý môi trường, khoa học công nghệ trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã tạo môi trường rất thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi phát triển. Cùng với đó, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị phần thị trường ở các nước.
Ngoài ra, cần có sự gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi để triển khai xây dựng thêm cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố nên có thêm cơ chế, chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ năng lực; đồng thời thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới.