Tập trung hợp tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Kiểm sát

Các hoạt động hợp tác tập trung vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Kiểm sát; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký

Theo VKSND tối cao, trong công tác hợp tác quốc tế, Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/1/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.

Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao hai nước Việt - Lào ký Biên bản hội nghị giữa hai nước tại Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới hai nước lần thứ VI.

Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao hai nước Việt - Lào ký Biên bản hội nghị giữa hai nước tại Hội nghị Viện kiểm sát các tỉnh có chung đường biên giới hai nước lần thứ VI.

Hướng dẫn số 05-HD/BĐNTW ngày 26/3/2019 của Ban Đối ngoại trung ương thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW và Kết luận số 33-KL/TW ngày 27/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII; thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại ban hành theo Quyết định số 37/QĐ-VKSTC ngày 25/1/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, Quy định quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 202/QĐ-VKSTC-HTQT&TTTPHS ngày 16/5/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao và các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND. Việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

Triển khai thực hiện các Thỏa thuận hợp tác đã ký bảo đảm hiệu quả, thiết thực, bền vững; đẩy mạnh ký kết các Thỏa thuận hợp tác với các nước, đối tác mới có tiềm năng, thiện chí. Các hoạt động hợp tác tập trung vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Kiểm sát; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường thúc đẩy, mở rộng hiệu quả hợp tác song phương từ các diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương.

Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội; tổ chức hiệu quả chương trình đoàn ra, đoàn vào cấp cao năm 2020 đã được Chủ tịch nước phê duyệt.

Cụ thể hướng dẫn công tác tương trợ tư pháp về hình sự

Cũng theo VKSND tối cao, công tác lập, gửi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho nước ngoài để đề nghị thực hiện; xem xét tiếp nhận, thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 28 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2013 ngày 16/8/2013. Việc xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam tại Việt Nam và giải quyết yêu cầu cung cấp quyết định pháp lý cuối cùng trong vụ án do nước ngoài chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1918/VKSTC-HTQT ngày 15/6/2012 của VKSND tối cao và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Lào tiếp tục thực hiện thực hiện theo Hướng dẫn số 19/HD-VKSTC-HTQT ngày 24/7/2012 của VKSND tối cao.

Tương trợ tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc thực hiện theo Hướng dẫn số 38/HD-VKSTC ngày 24/12/2019 của VKSND tối cao về lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi VKSND tối cao Trung Quốc.

Những lưu ý đối với việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự gửi nước ngoài

Việc lập hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự gửi nước ngoài cần lưu ý các nội dung đó là: Quá trình giải quyết vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nếu thấy cần thiết phải thu thập chứng cứ, tài liệu từ nước ngoài, cần chủ động, kịp thời yêu cầu, phối hợp với CQĐT lập hồ sơ ủy thác tư pháp về hình sự theo quy định của pháp luật.

 Ký Biên bản Hội nghị giữa Viện kiểm sát hai nước Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2.

Ký Biên bản Hội nghị giữa Viện kiểm sát hai nước Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 2.

Nội dung hồ sơ ủy thác tư pháp thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 18, 19 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước và Mẫu văn bản ủy thác theo hướng dẫn của VKSND tối cao (Vụ 13). Văn bản ủy thác cần nêu rõ mục đích, nội dung các hoạt động ủy thác cần thực hiện; sự cần thiết phải thực hiện ủy thác để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tại Việt Nam. Cần chú ý mô tả cụ thể nội dung vụ án, các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội; trích dẫn đầy đủ nội dung điều luật và hình phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ cho Việt Nam trong trường hợp có sự khác nhau về tội danh trong pháp luật giữa nước ta và các nước; nêu rõ thời hạn mong muốn có kết quả thực hiện tương trợ. Trường hợp đề nghị thực hiện nhiều nội dung tương trợ khác nhau thì cần mô tả chi tiết từng loại yêu cầu tương trợ.

Đối với yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng mà có thì cần mô tả chi tiết về tài sản, nơi có tài sản cần tìm, căn cứ để xác định tài sản do phạm tội mà có đang có mặt tại nước được yêu cầu và có thể thuộc quyền tài phán của Việt Nam; mối liên hệ giữa tài sản bị yêu cầu thu hồi và hành vi phạm tội; việc thực hiện bản án, quyết định của cơ quan tố tụng có thẩm quyền đối với ủy thác về truy tìm, kê biên, phong tỏa, thu giữ, tịch thu, trả lại tài sản và nêu rõ biện pháp cần áp dụng để thu hồi tài sản.

Theo quy định của pháp luật một số nước như Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi a, Trung Quốc (Hồng Kông)... thì yêu cầu tương trợ tư pháp phải do Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự của nước yêu cầu lập. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ ủy thác tư pháp đề nghị nước ngoài thực hiện trong trường hợp này cần cung cấp đầy đủ thông tin để VKSND tối cao (Vụ 13) có thể lập yêu cầu tương trợ tư pháp theo mẫu pháp luật nước được yêu cầu quy định.

Trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giữ bí mật nội dung và việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp thì cần ghi rõ trong văn bản ủy thác tư pháp; tránh việc đóng dấu các mức độ mật vào hồ sơ ủy thác tư pháp gửi đi nước ngoài.

Hồ sơ ủy thác tư pháp lập thành 3 bộ, kèm theo bản dịch đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 5 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, gửi VKSND tối cao (Vụ 13) để kiểm tra tính hợp lệ và làm thủ tục chuyển cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện. Quá trình lập hồ sơ ủy thác tư pháp cần chủ động liên hệ với VKSND tối cao (Vụ 13) để được hướng dẫn cụ thể.

Công tác dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, các VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 6, 32, 33), Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (các Điều 40, 55) và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 498 - 506).

VKSND tối cao (Vụ 13) vừa có Hướng dẫn số 12/HD-VKSTC hướng dẫn công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp năm 2020. Về chế độ thông tin, báo cáo, theo VKSND tối cao, VKSND các cấp chấp hành đầy đủ, nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; Luật tương trợ tư pháp năm 2007; Kế hoạch của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao và các quy chế, quy định khác có liên quan đến công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự của ngành KSND. Báo cáo công tác hợp tác quốc tế năm 2019 của các đơn vị theo quy định tại Chỉ thị số 39 và Kế hoạch số 01 đề nghị gửi về VKSND tối cao (Vụ 13) trước ngày 15/2/2020 để tổng hợp, xây dựng báo cáo Ban cán sự Đảng VKSND tối cao.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/tap-trung-hop-tac-dao-tao-nang-cao-nang-luc-chuyen-mon-cho-can-bo-kiem-sat-81884.html