Tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất nông nghiệp

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 6/9 đến 13/9/2024, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh là 414,1mm. Cùng với đó, triều cường kết hợp các hồ chứa phía thượng lưu xả lũ khiến mực nước trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy dâng cao. Hiện nay, mực nước trên các sông đang biến đổi chậm theo xu thế thủy triều, sau tiếp tục lên chậm trở lại. Lúc 7 giờ ngày 13/9/2024, mực nước sông Đào tại Trạm Thủy văn Nam Định là 4,88m, trên báo động III là 0,58m; trên sông Ninh Cơ tại Trạm Thủy văn Trực Phương là 3,24m, trên báo động III là 0,64m. Nước lũ dâng cao trên các tuyến sông khiến một số tuyến bờ bao của các bối: Yên Bằng, Yên Khang (Ý Yên); Nam Quần Liêu (Nghĩa Hưng); Xuân Thành, Tiến Dũng 1, Hành Thiện, Hạc Châu (Xuân Trường); Đại An (Nam Trực)... bị tràn. Một số bối, gồm: Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân (Ý Yên); Phương Định, Trực Chính (Trực Ninh); Phù Sa Thượng (Nghĩa Hưng); Liêu Đông (Xuân Trường); bối Xí nghiệp gạch, bối An Tùy, Đại An (Nam Trực)… đang chống tràn. Bên cạnh đó, một số cống xuất hiện lỗ rò như: Cống Mý, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định); cống An Thịnh, Mười Sáu, Yên Phúc (Ý Yên); cống Cổ Lễ (Trực Ninh); cống Đồng Nê, Cống Kẹo (Xuân Trường), hiện đã được xử lý giờ đầu. Một số đoạn đê xuất hiện nhiều điểm rò rỉ, thẩm lậu, cụ thể: K145-K162 trên đê tả Đáy (Ý Yên); tại K195+500 - K196+500, K197+800 - K197+950 trên đê hữu Hồng; tại K4+100 đê tả Ninh (Xuân Trường) đã xử lý giờ đầu. Bờ tả kênh xả Trạm bơm Quán Chuột bị vỡ một đoạn khoảng 15m, đến 6 giờ ngày 13/9/2024 đã xử lý gia cố bờ kênh và phá đập tạm để đảm bảo tiêu thoát nước. Sạt trượt mái đê phía đồng đoạn K3+890 đê tả Ninh (Xuân Trường) với chiều dài 20m, đã xử lý bằng biện pháp cắm cừ bằng cọc tre giữ cung sạt; bạt bớt phần đất trên cung trượt; dùng bao tải cát đắp lại mái sạt.

Tính đến 17 giờ ngày 12/9/2024, mưa, lũ cũng đã làm gần 32.714ha lúa mùa bị ngập úng, trong đó ngập trắng gần 2.786ha, ngập phất phơ 6.593ha, ngập sâu dưới nước 23.335ha.

Để bảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản của nhân dân, nhất là trong vùng bối, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng và các huyện, thành phố Nam Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, liên tục tại các tuyến đê chính để kịp thời phát hiện các sự cố và xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục di dời dân cư sinh sống tại các khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.

Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân tại các điểm sơ tán; tổ chức hướng dẫn người dân khi nước lũ rút đến đâu tiến hành dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, vật dụng và môi trường đến đó để nhanh chóng ổn định đời sống khi lũ rút. Rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp; chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp và tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ. Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới. Tiếp tục thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại bão số 3 và mưa lũ sau bão của các địa phương.

Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202409/tap-trung-khac-phuc-anh-huong-cua-bao-mua-lu-nhanh-chongon-dinh-cuoc-song-va-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-e0439bf/