Tập trung khôi phục nuôi trồng thủy sản sau mưa lớn

Đợt mưa lớn lịch sử (từ ngày 22-24/5/2022) trên địa bàn tỉnh khiến hơn 1.150 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nước lũ còn làm các ao nuôi bị hư hỏng, bồi lấp. Hiện, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất.

Hơn 13,5ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Doãn Hạnh, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Thế Hùng

Hơn 13,5ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Doãn Hạnh, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Thế Hùng

Huyện Bình Xuyên có diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập nhiều nhất tỉnh với hơn 520 ha, tập trung tại các xã, thị trấn Thanh Lãng, Hương Canh, Sơn Lôi, Tam Hợp, Bá Hiến...

Sau gần 1 tuần mưa lớn, ông Nguyễn Doãn Hạnh, thị trấn Thanh Lãng vẫn chưa hết bàng hoàng, hơn 13,5 ha nuôi trồng thủy sản của gia đình hiện vẫn ngập sâu trong nước, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Dẫn chúng tôi di chuyển bằng thuyền (chiều 1/6/2022) mục sở thị cánh đồng chuyên canh thủy sản thôn Công Bình, toàn bộ khu vực này vẫn mênh mông nước và không thể phân định ranh giới giữa các trang trại nuôi trồng thủy sản, kênh mương,

Ông Hạnh cho biết: "Chưa năm nào mưa lớn, nước lên nhanh như vừa rồi khiến gia đình tôi không kịp trở tay. Trước đó, gia đình đã chủ động thuê người gia cố bờ bao, giăng lưới xung quanh đầm nuôi để giữ cá nhưng vẫn không ngăn được ngập; các loại máy móc phục vụ cho nuôi thủy sản như máy phát điện, mô tơ điện… cũng bị hư hỏng vì ngập nước.

Để khôi phục sản xuất, sau khi nước rút, gia đình huy động nhân lực tu sửa lại bờ bao, bảo dưỡng máy móc, xử lý môi trường ao nuôi để có thể thả nuôi lại. Cùng với đó, rất mong sự hỗ trợ của chính quyền các cấp về giống, vốn, kỹ thuật để sớm ổn định sản xuất".

Theo thống kê sơ bộ của thị trấn Thanh Lãng, tính đến 31/5/2022, địa phương có hơn 156/280 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, cao nhất huyện. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay khi nước rút, UBND thị trấn chỉ đạo các hộ nuôi và huy động các tổ chức đoàn thể ra quân tổng vệ sinh môi trường các vùng nuôi; gia cố bờ bao, hệ thống kênh mương tiêu nước; kéo lưới kiểm tra để loại bỏ cá tạp và ước lượng số cá còn lại; tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường ao nuôi, thả bổ xung cá giống vào ao đủ mật độ và cơ cấu cá thả.

Hiện, toàn tỉnh có gần 7.000 ha nuôi trồng thủy sản, đợt mưa lớn vừa qua khiến nhiều diện tích nuôi thủy sản bị ngập sâu, trong đó các huyện có diện tích bị ngập nhiều như Bình Xuyên hơn 352 ha; Yên Lạc gần 323 ha; Lập Thạch 175 ha; thành phố Phúc Yên 164 ha; Vĩnh Tường 91 ha…

Hiện nay, mực nước trên các sông vẫn ở mức cao, toàn bộ lượng nước tiêu thoát trên địa bàn tỉnh (trừ vùng Lập Thạch, Sông Lô, ven sông Phó Đáy và vùng bãi Vĩnh Tường, Yên Lạc) tiêu rất chậm do phụ thuộc vào mực nước trên sông Cầu. Hiện các địa phương tiếp tục khơi thông, vớt bèo rác, vật cản trên sông đảm bảo thông thoáng, tiêu thoát nước nhanh.

Để khôi phục nuôi trồng thủy sản sau mưa lớn vừa qua, Chi cục thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn các hộ nuôi xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí... nhằm hạn chế sự phân tầng nước, nhất là đối với những ao nuôi thâm canh có sản lượng cao.

Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường ao, đầm và nơi đặt lồng bè đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép; bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng sức đề kháng và hấp thụ dinh dưỡng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Nếu có thủy sản chết liên hệ ngay với cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện kê khai nuôi trồng thủy sản ban đầu về diện tích, đối tượng, số lượng nuôi; thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ theo quy định.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến cuối năm 2022 có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan…gây bất lợi cho sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi do mưa bão, các hộ nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ trên các sông và tình hình xả nước trên các hồ, đập để chủ động ứng phó; tiến hành thu toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thiệt hại, nhất là những khu vực xung yếu, hay ngập lụt.

Chuẩn bị các điều kiện, vật tư cần thiết phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai như lưới, đăng chắn, cọc tre, bao cát, máy bơm tiêu úng, thuyền, máy phát điện…

Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để thoát nước nhanh; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố, tu bổ lại bờ ao đảm bảo bờ ao cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5m; rải vôi bột xung quanh bờ ao để ổn định độ pH cho ao nuôi.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78149/tap-trung-khoi-phuc-nuoi-trong-thuy-san-sau-mua-lon.html