Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng
Phòng, chống tham nhũng (PCTN) được xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài và được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình thực hiện, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tạo được bước tiến mạnh và đạt được những kết quả tích cực.
Nhìn lại 7 năm thực hiện, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời tiếp thu, quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương thành các văn bản cụ thể để tập trung chỉ đạo. Có khoảng 956 văn bản được các cấp ủy trên địa bàn tỉnh ban hành đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…
Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Cụ thể, đã tổ chức khoảng 16.500 cuộc tuyên truyền pháp luật về PCTN; lồng ghép, thực hiện tuyên truyền bằng nhiều đề án, phương pháp khác, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng. Từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, giữ vững tình hình chính trị ở địa phương và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các cấp ủy, chính quyền còn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, trong đó, thực hiện chặt chẽ đối với công tác công khai, minh bạch những nội dung về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức. Công khai, minh bạch về vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, người lao động, nhất là người dân như: công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn… Từ đầu năm 2013 đến nay, có 421 cơ quan, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và chưa phát hiện vi phạm về nội dung này.
Việc xây dựng, thực hiện các quy tắc ứng xử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đều có xây dựng, phổ biến quy tắc ứng xử theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ và đạo đức nghề nghiệp của ngành. Từ đó, góp phần chấn chỉnh tác phong, phong cách làm việc cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác gần 1.800 cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Các ngành, địa phương còn quan tâm việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, xây dựng mới 829 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và sửa đổi, bổ sung 191 văn bản. Các cơ quan chức năng đã tổ chức 366 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và chưa phát hiện đơn vị vi phạm.
Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN đóng vai trò rất quan trọng. Đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo từ việc quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công tác phòng ngừa tham nhũng. Đáng ghi nhận, thủ trưởng các đơn vị trên địa bàn luôn gương mẫu, trực tiếp lãnh đạo và nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trong cùng kỳ, thủ trưởng các đơn vị đã chủ động, xử lý nghiêm trách nhiệm 5 trường hợp người đứng đầu có sai phạm. Các ngành, các cấp còn đẩy mạnh việc xử lý và PCTN bằng nhiều hình thức theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ việc, vụ án liên quan tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các sở, ban ngành tỉnh còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, tổ chức thành viên, nhân dân trong PCTN một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế nhất định. Theo lãnh đạo tỉnh, sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan đến công tác PCTN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác PCTN tại các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc thực hiện công tác PCTN.
Quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ làm công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác giám sát, ngăn chặn có hiệu quả nạn tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh PCTN, lãng phí. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của HĐND trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng và thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm khác trong PCTN.