Tập trung nguồn lực để về đích

Theo chương trình nghị sự, tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, 2021, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 với quy mô, chính sách chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn. Đây là nghị quyết được xây dựng kỳ công, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, tổ chức nhiều tọa đàm, diễn đàn kinh tế - xã hội để thiết kế chính sách; sau đó trình trước Quốc hội đạt được sự thống nhất, đồng thuận cao, không có ý kiến trái chiều. Dù có một số nội dung không thực hiện được, hoặc chưa được thực hiện, nhưng về tổng thể, Nghị quyết số 43 đã bổ sung nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay khi nước ta kiểm soát được đại dịch.

Thực hiện triển khai chính sách này, giải ngân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tính đến hết tháng 9.2023 đạt khoảng 96,4 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao. Tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 60.531 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Với những kết quả đạt được nêu trên, Nghị quyết 43 đã thực sự trở thành một trong những dấu ấn quan trọng của Quốc hội, thể hiện sự chủ động, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ trong các quyết sách quan trọng của đất nước, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai nghị quyết vẫn còn những hạn chế. Đó là, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các dự án chưa kịp thời. Trong đó, việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình quá chậm; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện, chủ trương đầu tư, đề nghị cắt giảm, không thực hiện một số dự án thuộc Chương trình, làm chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng tiến độ giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Việc xác định danh mục các dự án thuộc Chương trình chưa bảo đảm tính chặt chẽ, sát thực… Do đó, giờ là lúc cần đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bao gồm cả nguyên nhân chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, dẫn đến nhiều cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng hiệu quả thấp. Bởi sự chậm trễ, khâu yếu trong triển khai thực hiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, tính hiệu lực, hiệu quả, ý nghĩa của Nghị quyết.

Một trong những vấn đề vẫn thường được nhắc tới khi đánh giá trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết thời gian qua, đó là một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn thấp. Tính đến ngày 31.8.2023 chỉ đạt 50.739 tỷ đồng, tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao. Có thể thấy, với tỷ lệ này, rất khó để giải ngân hết trong năm 2023. Việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại xảy ra tình trạng này? Nguyên nhân do đâu?

Không thể phủ nhận Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 43. Điều đó, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách vẫn chưa có sự đồng tốc với việc ban hành chính sách. Do đó, ở phiên thảo luận về nội dung này, cử tri, nhân dân mong rằng, các đại biểu Quốc hội thẳng thắn phân tích, chỉ rõ được những vướng mắc, nguyên nhân dẫn đến thực hiện chính sách còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trên cơ sở phân tích một cách thấu đáo những nguyên nhân khách quan, chủ quan để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hiến kế các giải pháp để khắc phục.

Thời gian còn lại để thực hiện nghị quyết không nhiều (ngày 31.12.2023), giờ là lúc Chính phủ cần tập trung cao nhất về nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách để bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tap-trung-nguon-luc-de-ve-dich-i347908/