Tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai
Vụ đông xuân 2021-2022 trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi, hầu hết các loại cây trồng đều gieo trồng vượt kế hoạch đề ra, phát triển tốt, ít sâu bệnh và dự kiến được mùa. Tuy nhiên, đợt mưa lũ từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022 là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, hơn 60 năm mới lại xảy ra trên địa bàn, gây bất ngờ, vượt ngoài khả năng phòng tránh, ứng cứu của người dân và chính quyền địa phương, xảy ra vào đúng giai đoạn nhạy cảm, hình thành năng suất của hầu hết các loại cây trồng, vì vậy đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cùng với quan tâm chỉ đạo thu hoạch lúa vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ hè thu kịp tiến độ, tỉnh cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai.
Theo thống kê, đợt mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 11.600 ha lúa, gần 3.800 ha ngô, hơn 2.100 ha hoa màu, 8,7 ha rừng trồng, trên 456 ha ao hồ nuôi cá, trên 44 ha nuôi tôm, 73 lồng bè. Có 7 trạm bơm, 3 máy bơm, 2,75 km kênh mương nội đồng, 1,5 km bờ sông Thạch Hãn, sông Nhùng bị sạt lở, hư hỏng... Tổng thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi ước tính gần 800 tỉ đồng, làm giảm 5,5 vạn tấn lương thực và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khoảng 50.000 hộ dân.
Trước tình hình trên, để giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành phương án khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ bất thường (từ 31/3 - 2/4/2022) trong vụ đông xuân, triển khai sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông 2022 (Phương án số 1813/ PA-UBND ngày 22/4/2022). Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, ứng dụng đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng quy mô, đối tượng, thâm canh tăng vụ, xen canh, gối vụ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Khẩn trương tổ chức, chỉ đạo đẩy nhanh công tác khôi phục sản xuất, trước mắt là triển khai kịp thời sản xuất lại trên diện tích rau, màu vụ đông xuân bị hư hại do thiên tai gây ra. Chủ động nguồn giống, vật tư thiết yếu đảm bảo chất lượng để triển khai ngay sản xuất vụ xuân hè, hè thu và thu đông năm 2022 hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh lương thực cho Nhân dân vùng bị thiên tai.
Mục tiêu cụ thể là triển khai khôi phục 2.626 ha lúa, 872 ha hoa màu bị ngập nhẹ, nghiêng, đổ, ngã... có khả năng phục hồi. Xử lý, cải tạo trên 9.000 ha lúa, trên 3.000 ha hoa màu bị ngập sâu lâu ngày, bị chết để tổ chức sản xuất vụ hè thu 2022. Tổ chức sản xuất 3.790 ha cây trồng cạn vụ hè thu sớm trên diện tích cây trồng cạn bị thiệt hại, bao gồm cây ngô, lạc, đậu xanh, vừng, dưa hấu, rau các loại...
Triển khai sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông 2022 đảm bảo diện tích gieo trồng, khung lịch thời vụ và cơ cấu các loại giống cây trồng theo Phương án 6418/PA-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh. Đồng thời tổ chức sản xuất trên diện tích đất lúa ở các vùng đảm bảo nước tưới, thường xuyên bỏ hoang ở các vụ hè thu trước tại các địa phương như Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng... với quy mô 500 ha. Khuyến khích mở rộng tối đa diện tích các loại cây trồng sản xuất trong vụ hè thu 2022 ở các vùng đảm bảo đủ điều kiện.
Chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vụ đông sớm năm 2022 nhằm gia tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và bù đắp sản lượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Khẩn trương tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kết hợp đẩy nhanh công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.
Nhanh chóng tái đàn gia cầm để lấy ngắn nuôi dài; tận dụng diện tích đảm bảo để mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, nhất là diện tích hơn 450 ha nuôi cá nước ngọt bị ngập, cuốn trôi do mưa lũ. Rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các công trình thủy lợi để xây dựng kế hoạch đầu tư khắc phục, sửa chữa kịp thời, đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ các vụ sản xuất trong năm, nhất là những diện tích, vùng mở rộng sản xuất.
Với tổng kinh phí thực hiện phương án là 63.833,7 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 37.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn dự phòng trên 15.400 triệu đồng, còn lại là ngân sách huyện và Nhân dân đóng góp sẽ ưu tiên hỗ trợ phục vụ sản xuất. Trong đó, tùy theo từng hạng mục, phương án quy định mức hỗ trợ theo tỉ lệ phần trăm của ngân sách nhà nước, các nguồn hợp pháp khác và Nhân dân đóng góp, tập trung vào việc hỗ trợ kinh phí để xử lý, vệ sinh đồng ruộng trên diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ hóa chất xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng để phục vụ sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông năm 2022; hỗ trợ giống thủy sản để khôi phục sản xuất; hỗ trợ giống gà, thức ăn chăn nuôi, vắc xin; giao Sở Nông nghiệp và PTNT thống kê nhu cầu của các địa phương, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 lần 100% lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng, tối đa 9 tháng theo lãi suất thương mại.
Trong công tác tổ chức thực hiện Phương án số 1813/PA-UBND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nỗ lực tổ chức thực hiện tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao, sử dụng kinh phí hỗ trợ được phân bổ đúng mục đích, hiệu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, an ninh lương thực cho Nhân dân vùng bị thiên tai.