Tập trung nguồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Sau bốn trận lũ liên tiếp và một cơn bão quét qua Quảng Trị trong tháng 10/2020, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thế nhưng, bằng nỗ lực vượt bậc, sau bão lũ, người dân các địa phương đã nhanh chóng bắt tay dọn dẹp nhà cửa, trong khi chính quyền tăng tốc sửa chữa đường sá, trường học, bệnh viện bị hư hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, khám, chữa bệnh, giúp người dân từng bước ổn định sản xuất, đời sống.

 Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt - Ảnh: T.T

Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt - Ảnh: T.T

Thiệt hại nặng nề về người và tài sản

Tại điểm trường lẻ A Đeng thuộc Trường Tiểu học và THCS A Ngo, huyện Đakrông, ngay sau khi thời tiết ổn định, thầy cô và các em học sinh đã bắt tay dọn dẹp trường lớp để có thể sớm trở lại trường. Các em học sinh không còn sách vở mới, áo quần mới nhưng vẫn háo hức khi được trở lại trường sau nhiều ngày phải nghỉ học. Em Hồ Thị Thạc, học sinh lớp 6B, điểm trường A Đeng, Trường Tiểu học và THCS A Ngo nói: “Nước lũ cuốn trôi hết áo quần, sách vở, chúng em được các nhà hảo tâm tặng áo quần, tặng sách vở mới để có thể sớm trở lại trường”.

Ảnh hưởng của mưa lũ khiến trên 316 điểm trường bị ngập lụt, thiệt hại rất nặng nề. Đến thời điểm này, vẫn còn 14 trường, điểm trường ở ở các xã Hướng Việt, Hướng Lập, Húc và điểm trường Pa Nho thuộc Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, học sinh chưa thể quay trở lại trường do bị hư hỏng, bùn đất vùi lấp. Đối với huyện Đakrông, có nhiều điểm trường bị hư hỏng, tốc mái chưa khắc phục được nhưng các trường đã chủ động bố trí cho học sinh đi học tại các nhà văn hóa cộng đồng, ghép lớp để tất cả học sinh đều được đến trường.

Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm 52 người chết, 2 người mất tích và 37 người bị thương. Toàn tỉnh có 1.129 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 119 hộ gia đình hiện phải di dời nhà ở, có 108.058 lượt nhà bị ngập nước. Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 468 ha lúa bị ngập úng, 3.468 ha hoa màu, 686,3 tấn hạt giống, 50.720,71 tấn lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng, 8.700 con gia súc, 766.840 con gia cầm bị chết, cuốn trôi … Ngoài ra, rất nhiều các công trình hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng, thông tin liên lạc, hệ thống điện ... bị sạt lở, ngập nước, hư hỏng nặng. Ước tính giá trị thiệt hại tính đến ngày 31/10/2020 khoảng 3.000 tỉ đồng.

Sớm giúp dân ổn định cuộc sống

Trong gần một tháng qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn theo dõi sát tình hình mưa lũ, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi chỉ đạo, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ, động viên, thăm hỏi Nhân dân ở các địa phương. Trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường, khẩn trương tìm kiếm những người bị mất tích, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương ổn định đời sống người dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh sớm được trở lại trường; tuyệt đối không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở.

Tại các địa phương, các lực lượng được huy động tối đa để tập trung vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa lũ. Các ngành chức năng đã triển khai phương tiện, lực lượng khắc phục nhanh các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt sau mưa lũ, các công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, các sự cố mạng lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc cũng được khẩn trương khắc phục để sớm phục vụ nhu cầu của người dân. Chính quyền cấp cơ sở chịu trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại nặng về nhà và các hộ thuộc đối tượng dễ bị tổn thương (hộ gia đình neo đơn, tàn tật, …) bị thiệt hại về nhà ở, kịp thời bố trí nơi ở tạm thời cho các gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, không có nơi cư trú.

Với chủ trương không để bất cứ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, UBND tỉnh đã phân bổ 10 tấn lương khô, 3.000 tấn gạo và các mặt hàng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn do Trung ương cấp để các đơn vị, địa phương kịp thời hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay hỗ trợ người dân Quảng Trị vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống và sức khỏe Nhân dân. Tính đến ngày 31/10/2020, Ban Cứu trợ các cấp trong tỉnh đã vận động, tiếp nhận được số tiền gần 60 tỉ đồng (đã về tài khoản gần 40 tỉ đồng) và hàng hóa, nhu yếu phẩm gồm 100 tấn gạo, trên 15.000 thùng mì ăn liền, 4.000 hộp đồ hộp, 1.500 thùng bánh các loại, đèn pin, thùng đựng nước, thuyền, sách vở, quần áo cũ ước tính trị giá gần 11 tỉ đồng. Các địa phương đã tiếp nhận khoảng 100.000 suất quà với trị giá trên 8 tỉ đồng. Các mặt hàng này đã chuyển trực tiếp đến các địa phương bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh, số tiền ủng hộ của các địa phương đã nộp vào ngân sách cấp tỉnh 2 tỉ đồng. Về công tác khắc phục sạt lở, hư hỏng các tuyến đường giao thông (do tỉnh quản lý) trên địa bàn tỉnh, đến nay 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 126,043km và các tuyến đường tỉnh cơ bản đã được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phân bổ 100 tỉ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ để các đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức khắc phục hậu quả, triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, thực hiện chính sách an sinh xã hội và sửa chữa các công trình trường học, trạm y tế, đảm bảo giao thông bước 1 các tuyến đường quan trọng, huyết mạch. Sửa chữa các công trình thủy lợi, đê điều và công trình sạt lở cấp bách phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, ổn định cuộc sống của Nhân dân sau mưa lũ.

Cần nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai

Trước những bất thường của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do đó tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ điều hành, chỉ đạo phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời. Cụ thể như tăng mật độ hệ thống quan trắc tự động, nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần được hỗ trợ nguồn vốn nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao năng lực tự ứng phó của cộng đồng. Hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ quy mô nhỏ cho người dân vùng thường xuyên bị ngập lụt của tỉnh để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đối với khu vực dân cư ở miền núi, hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện dự án di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn. Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở thì phát triển sản xuất bền vững cho người dân là vấn đề cần được quan tâm, giúp người dân ổn định tư tưởng để định cư lâu dài tại nơi ở mới. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153109